Tuyển sinh cao đẳng 2011:

Tổ chức thi để nắm chắc nguồn tuyển

ANTĐ - Ngày 15-7, hơn 360.000 thí sinh đã bước vào đợt thi cuối kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2011. Khác với năm trước, nhiều trường CĐ đã quay trở lại thi tuyển thay vì xét tuyển để chủ động được nguồn tuyển.
Nhiều trường CĐ giữ được lượng thí sinh dự thi ổn định 
 Nhiều trường CĐ giữ được lượng thí sinh dự thi ổn định
 

Tránh bấp bênh đầu vào
Kỳ thi CĐ năm nay có 96 trường xét tuyển và 130 trường tổ chức thi. Ông Vũ Ngọc Phương - Phó Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Hà Nội cho biết, đợt thi này trường phải tổ chức tới 8 khối thi, bao gồm 4 khối chính A, B, C, D và 4 khối năng khiếu với hơn 7.000 thí sinh dự thi. “Tổ chức thi sẽ phức tạp và phải huy động toàn trường tham gia công tác coi thi, chấm thi, xét tuyển... nhưng năm nay nhà trường vẫn quyết định thi tuyển thay vì xét tuyển như năm trước” - ông Phương nhấn mạnh.

Nguyên nhân không lựa chọn hình thức xét tuyển được ông Phương đưa ra là do thực tế giảng dạy và đánh giá kết quả năm học vừa qua thì thấy chất lượng đầu vào với hình thức xét tuyển không cao như thi tuyển. “Xét tuyển, nhà trường rất bấp bênh về đầu vào trong khi thi tuyển thì chủ động nắm chắc đối tượng dự thi, kết quả thi... nên dù thầy cô vất vả hơn trong dịp nghỉ hè nhà trường vẫn lựa chọn thi tuyển”.

Tại trường CĐ Sư phạm Trung ương, số thí sinh dự thi ngày đầu tiên khá đông với tỷ lệ 73%. Bà Đỗ Thị Minh Chính, thành viên hội đồng thi cho biết, mặc dù phải tổ chức cùng một lúc nhiều khối thi nhưng với kinh nghiệm nhiều năm tổ chức nên hình thức thi tuyển của nhà trường vẫn được lựa chọn cho kỳ tuyển sinh năm nay. “Năm nay số hồ sơ đăng ký vào trường thấp hơn năm 2010 một chút nhưng tỷ lệ dự thi lại cao hơn” - bà Chính cho biết.

Chỉ thi khối A, ông Nguyễn Phúc Đức - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội, năm nay trường có 3.689 thí sinh đăng ký dự thi vào trường. Sáng 15-7, có 2.463 thí sinh đến dự thi môn đầu tiên là môn Vật lý chiếm 66,77%. “So với năm 2010, số thí sinh đăng ký vào trường cao hơn và chứng tỏ tính ổn định và thương hiệu của nhà trường” - ông Đức cho biết.

Đáp ứng trúng nhu cầu xã hội
Để tạo sức hút thực sự với thí sinh, lãnh đạo các trường CĐ khẳng định, chất lượng đào tạo tập trung vào các ngành mũi nhọn, đáp ứng đúng nhu cầu xã hội là điểm mạnh để giữ được lượng thí sinh ổn định hàng năm. “Quan trọng là đầu ra. Sinh viên ra trường có việc làm ngay thì chắc chắn trường đó sẽ được nhiều thí sinh đăng ký dự thi” - ông Vũ  Ngọc Phương cho biết. Với 21 mã ngành tuyển sinh năm nay, trường CĐ Sư phạm Hà Nội có 6 mã ngành ngoài sư phạm với ngành mới mở năm nay là công tác xã hội. Ông Phương cho biết, đây là những ngành nhu cầu tuyển dụng cao vì thế thí sinh cũng đăng ký đông như mầm non, tâm lý, thương mại du lịch...

Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội có 6 mã ngành với thế mạnh là kế toán và kỹ thuật xây dựng nhưng ông Đức cho biết, ngành mà thí sinh lựa chọn nhiều khi đăng ký dự thi vào trường là Quản trị kinh doanh và Tài chính ngân hàng. Mặc dù xu hướng chung của thí sinh là ngại các ngành kỹ thuật, tuy nhiên, với thế mạnh đào tạo lâu năm, các nhà tuyển dụng rất tín nhiệm với ngành kỹ thuật xây dựng của  trường.

Đối với trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội, ông Triệu Văn Cường - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những ngành mà thí sinh đăng ký nhiều, điểm chuẩn hàng năm cao cũng chính là những ngành có thế mạnh của trường như ngành Quản trị văn phòng, Quản trị nhân lực... điểm chuẩn thường đều trên điểm sàn đại học của Bộ từ 1,5-3 điểm. Được biết năm nay,  trường có 9.675 hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó hôm qua
(14-7) có 6.230 thí sinh đến dự thi chiếm 64,4%.