- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: ĐBQH không thể đứng trên dân được
- Giới thiệu nhân sự ứng cử Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Không để phần tử xấu lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất

Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, ngay từ tháng 1-2016, thành phố đã tập trung chỉ đạo cuộc bầu cử đến cấp cơ sở. Về công tác hiệp thương, đến ngày 17-2, tất cả các quận, huyện, thị xã, phường, xã đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.
Đến hết ngày 13-3, Ủy ban Bầu cử TP đã hoàn tất việc tiếp nhận hồ sơ của người ứng cử đại biểu Quốc hội. Ủy ban Bầu cử các cấp đã hoàn thành việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Tổng số người nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội là 87 người, trong đó có 40 người do cơ quan, tổ chức giới thiệu; 47 người tự ứng cử. Tổng số người nộp hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND TP là 205 người, trong đó 196 người do cơ quan, tổ chức giới thiệu; 9 người tự ứng cử.
Các thành viên đoàn kiểm tra của Hội đồng Bầu cử quốc gia đánh giá, Hà Nội đã triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đồng bộ, toàn diện, nghiêm túc, đạt nhiều kết quả khả quan. Trong đó, có nhiều điểm nổi bật như: tỷ lệ ứng cử đại biểu nữ, đại biểu là người dân tộc đều vượt chỉ tiêu quy định; tỷ lệ người ngoài Đảng, người trẻ dưới 35 tuổi, tỷ lệ tái cử đều đảm bảo quy định...
Tại buổi làm việc, một thành viên Tiểu ban An ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng Bầu cử quốc gia cho biết, một số người tự ứng cử trong kỳ bầu cử lần này có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước và nước ngoài, bao gồm cả việc hỗ trợ tài chính để vận động. Cùng đó, một số người tự ứng cử đã sử dụng công nghệ, mạng Internet để tuyên truyền vận động…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hà Nội đã triển khai thực hiện công tác bầu cử kịp thời, chặt chẽ, đồng bộ. Phó Thủ tướng lưu ý, thành phố cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền về bầu cử. Cùng với đó, phải thực hiện đúng quy định pháp luật về bầu cử, đảm bảo quyền lợi của cử tri.
“Việc ứng cử, đề cử mở rộng dân chủ nhưng cần bảo đảm chất lượng đại biểu. Phải đảm bảo đây là ngày hội của toàn dân thì cuộc bầu cử mới thành công” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố Hà Nội đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho kỳ bầu cử sắp tới; không để bị động bất ngờ.
Hà Nội cũng cần tập trung làm tốt công tác tiếp dân, xử lý khiếu nại tố cáo, không để xảy ra khiếu kiện đông người. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, Hà Nội sẽ nỗ lực hết mình để ngày 22-5 tới thực sự là ngày hội của toàn dân.
Theo Ủy ban Bầu cử thành phố, trong 40 người được các cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử ĐBQH, có 17 người là nữ (42,5%), 3 người ngoài Đảng (7,5%), 3 người dưới 35 tuổi (7,5%), 2 người là dân tộc thiểu số (5%)…
Với 196 người được các cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND TP, có 79 người là nữ (40,3%), 31 người ngoài Đảng (15,8%), 33 người dưới 35 tuổi (16,8%), 3 người là dân tộc thiểu số (1,53%)…