Tình yêu nghề là sức mạnh vượt lên mọi khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2022, hơn lúc nào hết, đời sống giáo viên được nhắc tới nhiều nhất trước con số hơn 266.000 giáo viên xin nghỉ việc bởi những thiệt thòi về đồng lương. Khó khăn là vậy, nhưng vẫn có không ít những tấm gương kiên trì, sáng tạo, vượt khó.

Kiên trì với 6 tháng làm việc không lương

Câu chuyện 6 tháng không lương, phải đích thân làm mọi việc lao động chân tay để khích lệ đội ngũ giáo viên chân ướt chân ráo đến với ngôi trường vừa mới thành lập trong thời điểm dịch Covid-19 đang phức tạp diễn ra ngay tại một quận nội thành Hà Nội. Nhà giáo Nguyễn Thu Hà đang từ vị trí quản lý một ngôi trường có tiếng của Thủ đố đã được phân công phụ trách ngôi trường đang được hoàn thiện đúng vào thời điểm đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát. Trường THPT Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) được thành lập theo Quyết định số 2295/QĐ-UBND ngày 25-5-2021 của UBND TP Hà Nội và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm học 2021- 2022.

Hiệu trưởng và giáo viên trường THPT Mỹ Đình không quản khó khăn, dịch bệnh khi tự tay hoàn thiện cảnh quan ngôi trường mới

Hiệu trưởng và giáo viên trường THPT Mỹ Đình không quản khó khăn, dịch bệnh khi tự tay hoàn thiện cảnh quan ngôi trường mới

Có thể nói, bao nhiêu cái khó đã thử thách thế hệ cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh đầu tiên của nhà trường. “6 tháng đầu đi vào giảng dạy, đội ngũ quản lý và giáo viên nhà trường chưa được nhận lương trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hiệu trưởng và giáo viên nhà trường vẫn triển khai dạy học online buổi sáng, buổi chiều lại đến trường hoàn thiện cơ sở vật chất từ cuốc đất, trồng cây, đến lau dọn vệ sinh, kê dọn bàn ghế các lớp học…” - nhà giáo Nguyễn Thu Hà chia sẻ.

Hình dung lại những ngày đầu khó khăn, giáo viên còn chưa biết hết mặt nhau mà vẫn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa dạy học, vừa phải tự tay làm các công việc dọn dẹp, sắp xếp ngôi trường còn ngổn ngang, cô Nguyễn Thu Hà không khỏi xúc động. Điều khiến nhiều người thắc mắc là điều gì đã tạo động lực cho giáo viên trong 6 tháng không lương với đủ mọi nhiệm vụ cần làm. Trả lời câu hỏi này, cô Nguyễn Thu Hà cho biết, bản thân cô đã suy ngẫm và hiểu rõ việc cần thiết phải vạch ra con đường để giáo viên biết họ cần làm gì với mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

Bên cạnh đó là nói phải đi đôi với làm, cùng làm từ những việc nhỏ thì mới thuyết phục được giáo viên. Cô Nguyễn Thu Hà chia sẻ: “Lương không có, chi phí không có thì làm sao để ứng dụng công nghệ thông tin? Cái khó ló cái khôn, nhà trường lập ra nhóm công nghệ thông tin, phân tích đâu là thế mạnh của các phần mềm để chọn công cụ mang tính phổ biến dễ sử dụng và ổn định nhất. Nhóm đã gửi thư cho Google và được Google hồi đáp, cấp sở hữu tên miền riêng @thptmydinh.edu.vn để có thể thiết lập hệ thống email nội bộ, tạo hệ sinh thái chung, từ đó tổ chức thành các lớp học trực tuyến có tính an toàn, bảo mật và ổn định cao, khai thác triệt để các ứng dụng trực tuyến vào dạy học, kiểm tra đánh giá”.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, bằng trí tuệ, nhiệt tâm, sự sáng tạo, 20 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 400 học sinh trường THPT Mỹ Đình khóa đầu tiên đã vững vàng với những bước tiến vượt bậc.

Thầy cô trường THCS Đông La, Hoài Đức luôn sáng tạo để có những tiết học hấp dẫn trong mùa thao giảng chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam

Thầy cô trường THCS Đông La, Hoài Đức luôn sáng tạo để có những tiết học hấp dẫn trong mùa thao giảng chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam

Hiệu trưởng bê từng viên gạch lát sân trường

Một trong những minh chứng về sự bền bỉ sáng tạo của đội ngũ nhà giáo Thủ đô là nhà giáo Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức). Với 32 năm công tác, nhà giáo Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định những nỗ lực không ngừng của mình khi được phân công từ trường đứng đầu huyện Hoài Đức về trường đứng cuối huyện. Năm 2014, nhận công tác tại trường THCS Đông La, cô Nguyễn Thị Kim Dung và đội ngũ giáo viên gặp rất nhiều khó khăn khi ngôi trường còn không có cổng, không có tường rào, giáo viên cùng hiệu trưởng phải bê từng viên gạch vào lát sân trường. Với nỗ lực không ngừng, sau 19 tháng, trường THCS Đông La đã được công nhận trường chuẩn quốc gia.

Không những thế, ngôi trường này còn trở thành điểm sáng về giáo dục online với nhiều thành tích được ghi nhận không chỉ ở huyện Hoài Đức mà còn trên cả nước. “Câu hỏi đặt ra là mình phải làm gì với ngôi trường này. Cùng với việc nâng cấp cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, nhà trường đã mời được các chuyên gia về trường để đưa môn Toán của học sinh đang từ tốp cuối tiến lên vị trí thứ 5 và môn Ngữ văn lên thứ 2 toàn huyện. Suốt 9 năm rất gian khổ và có sự đồng hành của thầy cô trong trường, trường THCS Đông La đã khẳng định được thương hiệu của mình và đặc biệt được ghi nhận khi xây dựng mô hình trường học online, đã chia sẻ kinh nghiệm trên diễn đàn cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam với hơn 2.000 giáo viên cả nước” - cô Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ.

Hiệu trưởng trường THCS Đông La nhấn mạnh, công tác quản lý vừa đòi hỏi tính khoa học, đồng thời có yếu tố nghệ thuật, cần liên tục đổi mới, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu thực tế. Gần 3 năm học dạy trực tuyến, tôi đã xây dựng mô hình trường học online và từng bước chuyển đổi số trong công tác quản lý. Đột phá của nhà trường là quản lý hệ thống sổ sách trên không gian số, giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí trong soạn giảng. Đáng nói, từ thành công trong mô hình trường học online, trường THCS Đông La đã lan tỏa những ứng dụng mới tới không chỉ ở Hà Nội mà còn tại nhiều tỉnh thành như Nam Định, Sơn La, Kon Tum, Quảng Trị… hỗ trợ hơn 7.000 nhà giáo về công nghệ thông tin và phát triển chuyên môn nghiệp vụ.

Đánh giá về những nỗ lực của đội ngũ nhà giáo Thủ đô, ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam cho rằng, việc bắt đầu đặt nền móng với nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ bề đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc, nhất là khi ở giữa Thủ đô, các thầy cô còn nhiều lựa chọn tốt hơn. Điều này rất đáng trân trọng, đặc biệt là sự nỗ lực của những nhà giáo tâm huyết, đó là nguồn năng lượng lớn đối với những giáo viên còn đang ngần ngại, băn khoăn trước áp lực trong sự nghiệp “trồng người”.