Tìm hướng phát triển cho du lịch Đường Lâm

ANTĐ - Hội thảo “Chung tay gìn giữ giá trị viên ngọc quý - Làng cổ Đường Lâm” vừa diễn ra vào cuối tuần qua, dưới sự chủ trì của Liên hiệp khoa học Phát triển du lịch bền vững. Với sự tham dự của nhiều nhà khoa học ở các lĩnh vực, các giải pháp đưa ra đều đặt lợi ích của người dân làng cổ lên hàng đầu.

Không thể để dân chịu gánh nặng vì di sản

Hiện tại, công tác bảo tồn làng cổ Đường Lâm đang gặp nhiều khó khăn. Theo quan điểm của một số chuyên gia đưa ra tại hội thảo thì muốn bảo tồn thành công, ngoài việc vào cuộc của các nhà quản lý còn cần có sự tham gia của cộng đồng, đảm bảo mục tiêu duy trì, nâng cao đời sống cho cư dân địa phương.

PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản Việt Nam cho rằng,  phải tìm ra được cách gắn bó di sản với cộng đồng. Để di sản gắn bó với cộng đồng, nhất thiết phải làm cho di sản mang lại giá trị lợi ích thiết thực chứ không chỉ đơn thuần là giá trị tinh thần, dẫn đến di sản trở thành gánh nặng cho người dân. Phải  công bố công khai các kế hoạch, chính sách thực hiện quy hoạch, xây dựng và người dân được biết các thông tin, được cùng tham gia thảo luận.... Có nhiều hình thức du lịch khai thác thế mạnh thuần nông của làng cổ đã được đưa ra tại Hội thảo, như tour du lịch “Mùa lúa chín”, tìm hiểu nông thôn, thưởng thức văn hóa ẩm thực từ các sản phẩm nông nghiệp truyền thống, thăm làng cổ và di tích… Sắp tới, hội sẽ cùng BQL di tích Đường Lâm kết hợp với các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong nước để sớm khai thác các hình thức du lịch mới tại địa phương.

Sau những ồn ào vì 87 người dân trong làng đòi trả danh hiệu di sản, hiện tại công tác quy hoạch tổng thể di tích cũng đang được gấp rút triển khai. Đặc biệt, khu giãn dân đã được các cấp chính quyền thỏa thuận xong. Đây là vấn đề bức xúc nhất của người dân trong gần 10 năm qua. “Chúng tôi đang đẩy nhanh tốc độ, dự kiến đầu năm 2014 sẽ có đất để thực hiện giãn dân”- ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng BQL Di tích làng cổ Đường Lâm cho biết.