Tiếp tục rà soát tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV

ANTĐ - Sáng 18-7, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh vụ việc của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường và ông Trịnh Xuân Thanh - 2 người đã trúng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV nhưng sau đó không được xác nhận tư cách ĐBQH vì không đủ tiêu chuẩn. 

- PV: Xin ông cho biết rõ hơn lý do chiều 17-7, Hội đồng bầu cử Quốc gia họp đột xuất biểu quyết không xác nhận tư cách ĐBQH với  bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường trong khi trước đó chỉ 2 ngày, Hội đồng họp phiên thứ bảy không hề đề cập đến trường hợp này?

-  Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia: Hội đồng Bầu cử quốc gia họp đột xuất phiên họp thứ tám để biểu quyết không xác nhận tư cách ĐBQH với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì bà Nguyệt Hường đã vi phạm điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam. Cụ thể là bà Nguyệt Hường đã nhập quốc tịch Cộng hòa Malta trong khi chưa thôi quốc tịch Việt Nam. Chúng tôi cũng hoàn toàn bất ngờ và Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ vừa được cơ quan chức năng thông báo về việc này nên lập tức triệu tập phiên họp và đưa ra quyết định như báo chí đã thông tin.

- Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có đơn xin rút ĐBQH khóa XIV từ thời điểm nào? Ngoài lý do vi phạm Luật Quốc tịch Việt Nam, liệu còn lý do nào khác, thưa ông?

- Sau phiên họp thứ bảy của Hội đồng Bầu cử quốc gia vào ngày 15-7 thì bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường mới có đơn xin rút ĐBQH. Trong đơn, bà Nguyệt Hường nói xin thôi không làm ĐBQH vì lý do xét thấy không đủ điều kiện.

Đến thời điểm này, cơ quan chức năng chỉ cung cấp việc nhập quốc tịch Malta của bà Nguyệt Hường mà chưa bổ sung thông tin nào khác. Hiện nay, cơ quan chức năng vào cuộc việc gì thì tôi không biết, nhưng chỉ cần phát hiện bà Nguyệt Hường vi phạm Luật Quốc tịch Việt Nam thì Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có quyết định ngay.

- Như vậy, có phải bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã không trung thực khi kê khai lý lịch? Chế tài xử lý trường hợp này như thế nào, thưa ông?

- Nói không trung thực thì cũng đúng nhưng trong hồ sơ lý lịch ứng cử ĐBQH không có mục nào bắt kê khai 2 quốc tịch. Tuy nhiên, việc bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đăng ký 2 quốc tịch là vi phạm pháp luật của Việt Nam. Ngoài việc không xác nhận tư cách ĐBQH thì đương nhiên theo quy định pháp luật sẽ phải thu lại 1 quốc tịch của bà Nguyệt Hường.  

- Vì sao một người có vi phạm như ông Trịnh Xuân Thanh hay không đủ tiêu chuẩn như bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường lại được giới thiệu, vượt qua 3 vòng hiệp thương rồi trúng cử với số phiếu cao, thưa ông?

- Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh do Ủy ban MTTQ tỉnh Hậu Giang giới thiệu. Hồ sơ kê khai khi ứng cử ĐBQH không trung thực, cử tri đi bỏ phiếu làm sao biết được. Bầu cử xong rồi, báo chí lên tiếng, cơ quan chức năng vào kiểm tra, xác minh thì mới biết được trường hợp này có vi phạm. Chính vì thế, phải quy định sau khi danh sách người trúng cử được công bố, cần chờ 30 ngày để xem xét đơn thư, khiếu nại về người trúng cử rồi mới xác nhận tư cách đại biểu của người trúng cử.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giới thiệu ứng cử và là 1 trong 2 doanh nhân nằm trong cơ cấu này. Sai phạm của bà Nguyệt Hường do cơ quan chức năng phát hiện ra chứ không phải qua báo chí hay đơn thư tố giác.

- Sau sự việc này, việc rà soát tư cách ĐBQH với những ĐBQH khóa XIV có tiếp tục thực hiện nữa hay không?

- Đây là việc đương nhiên và sẽ thực hiện xuyên suốt nhiệm kỳ. Nếu như xác định có trường hợp nào vi phạm trong quá trình làm ĐBQH thì Quốc hội vẫn có thể tiến hành bãi miễn tư cách ĐBQH, giống như các trường hợp bà Đặng Thị Hoàng Yến và bà Châu Thị Thu Nga (ĐBQH khóa XIII).