- 2 người trúng cử nhưng không đủ tư cách ĐBQH là một hạn chế của cuộc bầu cử
- Bà Nguyệt Hường bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội vì vi phạm Luật Quốc tịch
- Không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường
Chiều 17-7, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã họp đột xuất phiên họp thứ tám, tiến hành biểu quyết không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, lý do vì vi phạm điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được xác nhận tư cách ĐBQH vì vi phạm Luật Quốc tịch
Làm rõ hơn việc đưa ra quyết định này chỉ 1 ngày trước hội nghị tổng kết cuộc bầu cử và 3 ngày trước khai mạc kỳ họp thứ 1 – Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Hội đồng bầu cử Quốc gia cũng hoàn toàn bất ngờ vì chỉ vừa mới nhận được thông báo của cơ quan chức năng về việc vi phạm của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Cụ thể, đến phiên họp thứ 7 của Hội đồng bầu cử quốc gia ngày 15-7, Hội đồng vẫn không nhận được bất cứ phản ánh nào về việc bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã nhập quốc tịch Malta. Sau phiên họp thứ 7 thì Hội đồng mới được cơ quan chức năng thông báo về việc này. Cũng sau phiên họp thứ 7 kể trên, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường mới có đơn xin rút ĐBQH vì nhận thấy không đủ tiêu chuẩn.
Việc bà Nguyệt Hường nhập quốc tịch Malta trong khi chưa thôi quốc tịch Việt Nam là việc này vi phạm Luật Quốc tịch Việt Nam. Cụ thể, luật quy định công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Với câu hỏi liệu trong vụ việc này liệu có nguyên nhân nào khác ngoài lý do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường nhập quốc tịch Malta, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, đến thời điểm này, cơ quan chức năng chỉ cung cấp việc nhập quốc tịch nước khác của bà Nguyệt Hường mà chưa bổ sung thông tin nào khác. “Hiện cơ quan chức năng vào cuộc việc gì thì tôi không biết. Còn phát hiện vi phạm Luật Quốc tịch thì Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có quyết định ngay” - ông Phúc nói.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí tại nhà Quốc hội
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, ngoài việc không xác nhận tư cách ĐBQH đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường do vi phạm Luật Quốc tịch Việt Nam thì chế tài của hành vi này là thu lại 1 quốc tịch. Không thể đang là công dân Việt Nam, đang sống ở Việt Nam mà có hai hộ chiếu, sử dụng hai quốc tịch được.
Cũng theo Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, sau sự cố bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường và ông Trịnh Xuân Thanh, việc rà soát tư cách ĐBQH với những ĐBQH đã được xác nhận tư cách ĐBQH khóa XIV sẽ tiếp tục được thực hiện xuyên suốt nhiệm kỳ. Nếu như xác định có trường hợp nào vi phạm như trường hợp bà Đặng Thị Hoàng Yến, Châu Thị Thu Nga (ĐBQH khóa XIII) trong quá trình làm ĐBQH thì vẫn tiến hành bãi miễn tư cách ĐBQH.