Tiếp tục làm rõ thủ đoạn 'hô biến' 430.000m2 đất trong vụ thất thoát hàng nghìn tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 18-8, phiên tòa xét xử cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị cáo liên quan, trong vụ thất thoát hàng nghìn tỉ đồng, xảy ra tại tỉnh Bình Dương tiếp diễn với phần thẩm vấn của các luật sư.

Nhân chứng tái khẳng định việc góp cổ phần hộ

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Nguyễn Quốc Hùng (Tổng giám đốc Công ty Âu Lạc) khẳng định Công ty Tân Phú luôn là chủ đầu tư của dự án 43ha. Ngày 27-10-2010, ký lệnh chi 60 tỉ đồng cho Tổng công Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty SX-XNK Bình Dương) vì theo đúng tinh thần của hợp đồng, để Công ty Tân Phú có quyền của chủ đầu tư.

Ngoài ra, bị cáo Hùng cũng cho rằng thời điểm đó, UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt chi tiết 1/500 cho 43ha, trong cả 2 quyết định đều ghi rõ chủ đầu tư dự án là Công ty Tân Phú.

Đáng chú ý, lời khai của bị cáo Hùng thể hiện, trong khi Công ty Âu Lạc và Tổng công ty SX-XNK Bình Dương hợp tác có hai lần phát sinh mâu thuẫn. Đó là khi Tổng công ty SX-XNK Bình Dương không chịu trả nốt tiền theo hợp đồng để chuyển tiền sử dụng đất cho Công ty Tân Phú và khi chuyển nhượng 30% vốn góp. Mâu thuẫn này rất cao bởi Tổng công ty SX-XNK Bình Dương đòi giá quá cao so với thực tế.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Theo bị cáo Hùng, trong khi phát sinh mâu thuẫn, bị cáo này đã nhờ Nguyễn Đại Dương giúp giải quyết, nói hộ với ông Nguyễn Văn Minh (bố vợ của Dương, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty SX-XNK Bình Dương) về giá cả. Bị cáo Dương sau đó lên gặp bị cáo Minh cùng Ban giám đốc Tổng công ty SX-XNK Bình Dương. Trong những buổi làm việc đó, bị cáo Minh rất khắt khe và chỉ lo đến quyền lợi của Tổng công ty SX-XNK Bình Dương.

Trong khi ấy, cáo buộc của Viện kiểm sát xác định, từ mối quan hệ quen biết với Nguyễn Đại Dương, Nguyễn Quốc Hùng đã tham gia góp vốn thành lập pháp nhân Công ty Âu Lạc. Nguyễn Quốc Hùng được giao làm Tổng giám đốc doanh nghiệp này.

Tuy nhiên mọi hoạt động của đều theo sự chỉ đạo, điều hành của Nguyễn Đại Dương, như: đại diện Công ty Âu Lạc ký Hợp đồng hợp tác với Nguyễn Văn Minh; thành lập liên doanh Công ty Tân Phú nhằm mục đích mua khu đất 43ha của Tổng công ty SX-XNK Bình Dương với giá 570.000 đồng/m2; đại diện Công ty Tân Phú ký hợp đồng nhận chuyển nhượng khu đất 43 ha với giá 250 tỉ đồng; đại diện cho Công ty Âu Lạc ký Hợp đồng nhận chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng công ty SX-XNK Bình Dương tại Công ty Tân Phú...

Viện kiểm sát xác định, việc Nguyễn Quốc Hùng ký các Hợp đồng trên đã giúp cho Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Đại Dương thực hiện được thỏa thuận chuyển nhượng khu đất 43ha và 30% vốn góp của Tổng công ty SX-XNK Bình Dương tại Công ty Tân Phú.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Nguyễn Đại Dương (con rể của bị cáo Nguyễn Văn Minh) khẳng định, bản thân không thể giải thích được vấn đề này vì cáo trạng không đưa ra được những căn cứ pháp lý phù hợp.

Bị cáo Dương nhấn mạnh: “Tôi không nhờ ai góp vốn đứng tên trong Công ty Âu Lạc. Dù có ba vợ là người đứng đầu ở Tổng công ty 3/2 (Tổng công ty SX-XNK Bình Dương - PV) nhưng ba vợ chỉ nhờ tôi tìm đối tác”.

Theo lời khai của Nguyễn Đại Dương, bị cáo nhận trách nhiệm giới thiệu người cho Nguyễn Quốc Hùng; bản thân chỉ đưa cho anh Dương Đình Tâm (nhân chứng trong vụ án) hồ sơ thành lập công ty. “Tôi không thể giải thích được những lời khai của ông Tâm trước đó” - bị cáo Dương nói.

Trước đó, ông Dương Đình Tâm nhiều lần từ chối các câu hỏi của luật sư với lý do “đã trả lời hết rồi”. Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm nay, ông Tâm một lần nữa khẳng định bản thân đứng tên cổ phần hộ Nguyễn Đại Dương khi thành lập Công ty Âu Lạc. Năm 2015, vì sợ liên lụy nên ông Tâm nói đã trả lại cổ phần mà Dương bảo đứng tên hộ.

Trong phần trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Nguyễn Đại Dương cho rằng bị cáo này không nhận bất kỳ lợi ích vật chất nào từ việc giới thiệu dự án 43ha cho bạn bè. Ngoài ra, theo lời khai của Dương, việc Công ty Tân Phú là chủ đầu tư và phải được giao đất là đúng pháp luật. Tổng công ty SX-XNK Bình Dương đủ yếu tố để được giao đất.

Kêu gọi cấp dưới cần dũng cảm nhận lỗi

Trước đó, luật sự cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi đối với bị cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư tỉnh Bình Dương) xoay quanh hành vi 43ha đất Nhà nước bị "hô biến" sang tư nhân.

Cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam.

Cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam.

Cụ thể, trong vụ này, bị cáo Trần Văn Nam bị cáo buộc có hai sai phạm là giao đất cho Tổng công ty SX - XNK Bình Dương vào năm 2012 nhưng áp giá thu tiền sử dụng đất năm 2006. Việc này gây thất thoát hơn 761 tỉ đồng.

Thứ hai là Tổng công ty SX - XNK Bình Dương dù không xin phép chủ sở hữu là Tỉnh ủy nhưng vẫn mang 43ha đất đi góp cổ phần vào Công ty Tân Phú. Năm 2016, Tổng công ty SX - XNK Bình Dương phải cổ phần hóa nên Tỉnh ủy Bình Dương ra công văn 407 yêu cầu giao khu đất 43ha cho Công ty Impco (cũng trực thuộc Tỉnh ủy).

Tuy nhiên, nhóm Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty SX - XNK Bình Dương) không làm theo yêu cầu trên. Nhóm này còn thỏa thuận bán khu đất cho doanh nghiệp của nữ “đại gia” Đặng Thị Kim Oanh.

Do khu đất đang đang đứng tên chủ sở hữu là Công ty Tân Phú nên nhóm Nguyễn Văn Minh bán toàn bộ cổ phần tại Công ty Tân Phú cho bà Đặng Thị Kim Oanh (người liên quan). Khu đất từ tài sản Nhà nước bị chuyển sang tư nhân gây thiệt hại hơn 984 tỉ đồng.

Tháng 4-2017, Tỉnh ủy Bình Dương họp bàn về việc Tổng công ty SX - XNK Bình Dương bán cổ phần tại Công ty Tân Phú và biết việc Nhà nước có thể mất toàn bộ khu đất 43ha nhưng đã không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng bán cổ phần.

Bị cáo Ngô Dũng Phương (cựu Trưởng phòng Tài chính Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương) còn soạn thông báo cho bị cáo Phạm Văn Cành, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương ký với nội dung đồng ý cho Tổng công ty SX - XNK Bình Dương chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Tân Phú.

Viện kiểm sát cáo buộc, năm 2018, bị cáo Trần Văn Nam chủ trì họp, bàn cách xử lý việc liên quan khu đắt 43ha, lúc này đã thuộc sở hữu của bà Kim Oanh. Bị cáo Nam khi đó chỉ đạo: “Xử lý về mặt văn bản, sửa lại, điều chỉnh lại… xem xét bỏ khu đất 43ha ra khỏi công văn số 407 năm 2016”. Công văn 407 có nội dung vốn 43ha phải đưa về Impco. Văn bản cuộc họp này được “lập khống”, lùi ngày về năm 2017.

Trả lời tại tòa, bị cáo Trần Văn Nam bác bỏ cáo buộc ký các văn bản lùi ngày với mục đích “hợp thức hóa” việc Tổng công ty SX - XNK Bình Dương bán cổ phần tại Công ty Tân Phú (thực chất là bán đất).

Về câu hỏi của luật sư, bị cáo Nam không cho lập văn bản lùi ngày, vậy việc này làm theo chủ trương của ai? Đáp lời, cựu Bí thư Bình Dương cho hay không biết có văn bản lùi ngày. Bị cáo Nam nói với bị cáo Phương (người từng là cấp dưới của bị cáo Nam): “Anh Phương phải dũng cảm, làm sai thì nhận, mình phải ngẩng đầu với bà con Bình Dương”.

Bị cáo Nam thừa nhận, việc Tổng công ty SX - XNK Bình Dương nói góp vốn vào Công ty Tân Phú thực chất là mang đất đi góp vốn. Việc này gây bức xúc trong Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương.

Theo cựu Bí thư tỉnh Bình Dương, xử lý việc chuyển nhượng 43ha đất sang tư nhân trái pháp luật, bị cáo Nam đã chỉ đạo phải để lại khu đất này, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng phải làm rõ trách nhiệm của Tổng công ty SX - XNK Bình Dương trong việc góp vốn, rồi thoái vốn.