Tiếp thu nguyện vọng chính đáng của nhân dân

ANTĐ - Ngày 6-3, Chính phủ đã tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về triển khai lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Cần phản bác lại các ý kiến sai lệch

trên cơ sở lý luận khoa học

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, hiện đã có 53 tỉnh/TP, 17 bộ gửi báo cáo sơ bộ về Ban sửa đổi Hiến pháp 1992. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, nhiều địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung góp ý một cách hiệu quả. Quá trình lấy ý kiến đảm bảo sự công khai, dân chủ, huy động sự tham gia đóng góp ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài nước. 

Tại đầu cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp  đang được Hà Nội triển khai tích cực, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao nhận thức trách nhiệm của công dân đối với những công việc hệ trọng của đất nước. 

Chủ trì cuộc họp trực tuyến, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, về cơ bản, quá trình lấy ý kiến đạt yêu cầu và thực sự là một sự kiện sinh hoạt chính trị trọng đại của cả nước, thu hút người dân trong và ngoài nước. Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, việc tổng hợp báo cáo cần bám vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Cần tập hợp đầy đủ, khách quan nhưng cũng phải thể hiện rõ quan điểm, không mơ hồ, chung chung trước những vấn đề phức tạp, còn ý kiến khác nhau, nhất là những kiến nghị sai lệch với quan điểm, đường lối của Đảng. Các cơ quan tổng hợp phải có cơ sở lý luận khoa học để phản bác lại các ý kiến sai lệch với đường lối lãnh đạo của Đảng. Không để lợi dụng việc góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp mà làm sai lệch quan điểm, đường lối của Đảng. 

Về thời gian góp ý, Phó Thủ tướng cho biết, bản Hiến pháp dự kiến thông qua vào cuối năm 2013 nên ngoài việc đảm bảo tiến độ, các bộ, ngành, địa phương phải duy trì tiếp nhận ý kiến nhân dân cho tới khi Hiến pháp được thông qua. Ông nói: “Có ý kiến hay, tốt, nguyện vọng chính đáng của nhân dân thì cần tiếp thu để hoàn thiện trong Hiến pháp”.