Tiếng hát hay sẽ ở lại với công chúng

ANTĐ - Giữa thị trường nhạc Việt đang nhộn nhạo và xô bồ mà nhiều người ví chẳng khác gì “cái chợ”, chỉ cần hát hay, nhảy đẹp và biết cách PR bản thân là có thể dễ dàng thành các “ngôi sao” âm nhạc giải trí. Tuy nhiên cũng bởi thế mà ngày càng khan hiếm thế hệ nối gót những người làm nghệ thuật chân chính, nhất là đối với âm nhạc bác học.  NSƯT Thu Lan - Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã thẳng thắn chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Tiếng hát hay sẽ ở lại với công chúng ảnh 1NSƯT Thu Lan (trái) cùng học trò - ca sỹ Thụy Miên

- PV: Người Việt Nam rất yêu ca hát, các sân chơi âm nhạc luôn thu hút nhiều người xem và người thi, song chưa có nghệ sĩ thanh nhạc nào của Việt Nam vươn ra tầm quốc tế. Theo bà, thanh nhạc của chúng ta đang ở đâu trên bản đồ âm nhạc thế giới?

- NSƯT Thu Lan: Không chỉ người Việt Nam mới yêu ca hát. Như mọi nơi trên thế giới, ở Việt Nam tiếng hát bắt nguồn trực tiếp từ đời sống lao động sản xuất, từ nhu cầu đời sống tinh thần, trong đó có tâm linh và cả giải trí. Và ở Việt Nam, thanh nhạc với tư cách là một nghệ thuật ra đời muộn hơn nhiều so với phương Tây và hiện nay vẫn đang ở trình độ thấp so với thế giới.

- Nhưng trong 3 năm liên tiếp từ 2012 đến 2014, các ca sĩ Việt Nam như Mỹ Tâm, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương đều được tôn vinh là “Nghệ sĩ xuất sắc nhất châu Á” ở giải thưởng âm nhạc uy tín quốc tế - World Music?

- Những ca sĩ kể trên, không phủ nhận là họ có giọng hát đẹp, có sự nỗ lực lớn trong trau dồi nghề nghiệp để hội nhập quốc tế. Song các giải thưởng đó chỉ do một tổ chức của Hàn Quốc trao tặng, nghiêng về xu hướng giải trí, bên cạnh giọng hát còn có vũ đạo, thu âm… 


- Ở thị trường nhạc Việt đang có khoảng cách rất lớn trong nhu cầu thưởng thức, hay nói cách khác là “gu thẩm mỹ”, bà có nghĩ vậy không?

- Sự khác biệt là tất yếu, song quá khác biệt lại là một vấn đề. Một cuộc chuyển đổi lớn giống như một vụ nổ đang làm vỡ ra nhiều thứ. Ta vẫn nói về loạn chuẩn, loạn trường, loạn cảng… Âm nhạc không nằm ngoài cái đó. Sự phát triển nào cũng có xô bồ, qua xô bồ sẽ lắng lại, chảy đúng dòng rồi lại vỡ ra trong sự phát triển mới. Đó là quy luật. 


- Cũng có nhiều ý kiến cho rằng âm nhạc chỉ dựa trên nền tảng ca khúc như Việt Nam hiện nay không phải con đường đi tới đỉnh cao? 

- Tôi không phủ nhận, song xin đưa thêm một cách nhìn khác: trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, ca khúc Việt Nam đã chứng tỏ sức mạnh kỳ diệu của thanh nhạc trong đời sống, làm nên cái cao đẹp của hồn người, góp phần xứng đáng vào sự tiến lên của một dân tộc.

 Có nên gọi là đỉnh cao hay không?


- Nhưng nếu đặt điều đó trong nền âm nhạc hiện nay của Việt Nam liệu có đúng không?

- Có vẻ mọi người mặc nhiên công nhận và đề cao chức năng giải trí của nghệ thuật, đua theo công nghệ giải trí. Nên nhớ nghệ thuật và lợi nhuận là hai mục đích khác nhau. Nghệ thuật có nhiều chức năng, trong đó có chức năng giải trí. Cái gì thuộc về giải trí thì sẽ qua mau. Theo tôi, nghệ thuật hôm nay đang ít gắn bó với những vấn đề lớn của đất nước, với tình cảm của những người cần lao. Khi biểu diễn, nặng về “diễn” hơn là sự xúc động.

- Bà thường nhắn nhủ điều gì với học trò?

- Tôi thường dặn các em cố mà thành danh, có thành danh mới dễ sống, nhưng danh phải đi với thực. Điều không bao giờ được quên là hãy biết yêu quý, trân trọng giọng hát của mình, nhân phẩm của mình chứ đừng để bị coi rẻ. Đồng tiền không thể mua được tất cả. Đời người nghệ sĩ hát thường ngắn. Phải hát thật hay bằng cả tấm lòng, bằng tất cả cái vốn quý mà trời đất, cha mẹ ban cho. Không hát được nữa thì biết hạnh phúc trong cuộc sống của người bình thường. Tiếng hát hay không chết, tiếng hát hay sẽ ở lại với công chúng. Người tốt bao giờ cũng được yêu quý, cũng tìm thấy hạnh phúc.

- Xin cảm ơn bà!