Tiếng đàn bầu giữa mùa thu tháng 10 Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cứ hễ đến độ tháng 10, kỷ niệm trong tôi về một người đã đi xa lại dội về. Những ngày còn sống, nhà báo, nhà văn, nhà thơ Lữ Giang đã kể tôi nghe một câu chuyện văn chương mà ông gửi gắm vào giữa những đêm cả Hà Nội chong chong chờ đón đoàn quân từ 5 cửa ô tiến về. Trong cái đêm cũng thức cùng đồng bào ấy, ông đã viết xong bài thơ “Tiếng đần bầu”.
Bài thơ “Tiếng đàn bầu” được nhà thơ Lữ Giang sáng tác trong những ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954

Bài thơ “Tiếng đàn bầu” được nhà thơ Lữ Giang sáng tác trong những ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954

Giai điệu trong đêm

Lữ Giang là người theo đạo Thiên Chúa, hội viên Hội văn nghệ Liên khu IV cũ (1954), là phóng viên Báo “Chính nghĩa”, rồi Trưởng Ban biên tập Báo “Người Công giáo Việt Nam” cho đến ngày nghỉ hưu. Ông là cây bút sắc sảo hiếm có về đề tài công giáo, dân tộc. Bạn đọc đến giờ vẫn nhớ đến ông bởi sự khiêm tốn, chân thành, đồng nghiệp vẫn nể trọng, quý mến những hiểu biết sâu rộng về Thiên Chúa giáo của ông.

Dành cả cuộc đời cho thi ca và báo chí, Lữ Giang nổi tiếng nhất với 2 bài thơ được phổ nhạc: “Người ơi người ở đừng về” (nhạc sĩ Hoàng Sửu phổ nhạc) và “Tiếng đàn bầu” (nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc). Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, truyện thơ như: “Ánh nắng và mây mù”, “Hạnh phúc thế gian”, “Vùng biển sóng gió”, “Con Đức Mẹ”. Gần nhất là tập kịch thơ “Lối cũ đi về”, “Những khúc ngâm xưa” và cuốn tiểu thuyết lịch sử “Vạn thắng vương”, “Dốc sương mù”.

Ông đã từng kể về bài thơ “Tiếng đàn bầu” như sau: “Khi nghe tin giải phóng Thủ đô (1954), tôi và anh Vũ Kỳ Lân cùng chị Mai Châu vội đạp xe từ Khu 4 để về Hà Nội kịp dự ngày tiếp quản Thủ đô. Dọc đường đi, chúng tôi thấy hai bên đường cờ hoa, băng rôn tràn ngập. Từng đoàn thiếu niên khăn quàng đỏ diễu hành khua vang tiếng trống, bà con ai nấy đổ ra đường chào mừng chiến thắng. Đêm hôm đó, chúng tôi đứng trên mái nhà để xem Đoàn văn công Tổng cục Chính trị biểu diễn trước nhà Thủy Tạ hồ Hoàn Kiếm mà nhà thơ Hoàng Cầm làm trưởng đoàn.

Trong chương trình văn nghệ có một tiết mục độc tấu đàn bầu. Tự nhiên xúc cảm khiến tôi mường tượng đến những gánh hát xẩm mà đôi lần bắt gặp ở những bến xe, ga tàu hay góc cổng chợ nào đó. Một ông xẩm già mù, đội chiếc nón mê rách, bên cạnh là đứa bé quần áo vá đụp hai tay cầm chiếc mũ vải đi vòng quanh xin tiền. Âm thanh từ chiếc đàn bầu phát ra cung trầm, cung bổng ai oán. Nó gieo vào lòng người thanh niên sống dưới chế độ thực dân thuộc địa bị áp bức, đói nghèo, trải qua bao nhiêu năm quằn quại, kìm kẹp, đau khổ. Tôi cảm thấy từng cơn đau nhói của kiếp người nô lệ. Ngay đêm đó, tôi về nhà trọ ở phố Cầu Gỗ nay là khu Hoàn Kiếm thức trắng đêm để viết bài thơ “Tiếng đàn bầu”:

Tiếng đàn bầu của ta

Rất đầm ấm thiết tha

Cung thanh là tiếng mẹ

Cung trầm là giọng cha

Đàn bầu ngày mất nước

Dây tơ mềm não ruột

Đàn bầu sáng thu nay

Như bầu trời xanh mướt”.

Nhà thơ Lữ Giang

Nhà thơ Lữ Giang

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc

Đời chữ, đời người

Đã hơn nửa thế kỷ qua đi, sau này bài thơ được phổ nhạc thành ca khúc “Tiếng đàn bầu” vẫn vang lên ấm áp tình người. Những ông xẩm mù, những kiếp người nô lệ đã đi vào quá khứ. Còn “Tiếng đàn bầu” vẫn được đông đảo khán thính giả đón nhận trong các chương trình liên hoan văn nghệ, ca nhạc, và nó từng được trao giải Nhất cuộc thi Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 1999.

Bài hát còn được bay xa đến tận các nước châu Âu do các đoàn nghệ thuật Việt Nam biểu diễn, được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Ca sĩ Kiều Hưng là người thể hiện thành công nhất bài hát này. Những đêm biểu diễn trên đất nước Nga, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, cộng đồng người Việt đi xem rất đông, nhiều người không kìm nén nỗi xúc động đã bật khóc qua tiếng hát nghệ sĩ Kiều Hưng. Kỷ niệm 85 Ngày Giải phóng Thủ đô, tôi lại nhớ đến nhà báo, nhà văn, nhà thơ Lữ Giang nay đã đi xa nhưng vẫn còn đó âm vang “Tiếng đàn bầu” giữa trời thu Hà Nội.

Nhà thơ Lữ Giang là người hiền lành, đức độ. Sau khi nghỉ hưu, ông thường lui tới quán cà phê Lâm trên phố Tô Hiến Thành gặp gỡ anh em đồng nghiệp ở nhiều lứa tuổi để giao lưu, truyền lại những kinh nghiệm nghề nghiệp mà ông có được trong sự nghiệp văn chương, báo chí. Lữ Giang có một gia đình hạnh phúc đầm ấm với người bạn đời là bà Hoàng Thu Loan công tác tại Xưởng phim hoạt hình Trung ương.

Bà luôn song hành trong những năm tháng khó khăn để ông thành công trên con đường văn chương, báo chí. Anh con trai lớn hiện cũng theo nghiệp cha, công tác tại một tờ báo Trung ương. Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp văn chương, báo chí, ông và gia đình có cuộc sống thanh đạm, bình dị trong căn nhà nhỏ hẹp khu Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội nhưng luôn có tiếng cười cùng con cháu. Các bạn văn, bạn báo, bạn thơ vẫn thường lui tới đây trong những ngày lễ, Tết để giao lưu, trao đổi những sáng tác hay những cuốn sách vừa xuất bản.

Giờ đây, ngôi nhà ấy và quán cà phê Lâm không còn tiếng cười vang của ông nữa, nhưng nhiều buổi cà phê sáng, các bạn văn vẫn nhắc đến tên ông. Và họ tin rằng, lúc ấy ông cũng đang ngồi bên cạnh, để lim dim trong hương cà phê giữa một sớm mùa thu vàng rượi nắng tháng 10.