- Cả nhà tôi, cả hàng xóm đều dán mắt theo dõi, mình thành khán giả bất đắc dĩ. Phải công nhận là giới trẻ hòa nhập nhanh thật. Tiếng Anh hát như gió, sành điệu chẳng thua kém ca sĩ nước ngoài hay “hải ngoại”.
- Đúng là “điếc không sợ súng”. Một bài báo thuật lại chuyện một ông người Mỹ, sau khi nghe các thí sinh tranh nhau hát tiếng Anh, đã thốt lên không hiểu nổi thứ tiếng “quái dị” gì như vậy. Ngay cả một giọng ca đầy “nội lực” được cả ban giám khảo bấm nút, hết lời khen ngợi.
- Thôi thì “đàn gẩy tai trâu”, may mắn là khán giả không sành tiếng Anh hơn tiếng Việt, nhưng được nghe tiếng Anh “giả cầy” cũng sướng cái lỗ tai, rớt nước mắt vì sướng.
- Cũng có người nói, nghe bài hát Việt mãi nhàm rồi, nay phải “đổi món”. Cứ để bọn trẻ hát tiếng Tây thỏa thích cũng là cách kéo văn hóa Việt gần hơn với thế giới. Đến một ngày chán chê chúng sẽ quay về với tiếng mẹ đẻ.
- Nếu thế thì đổi tên cuộc thi thành “Giọng Việt hát tiếng Anh”, để nhanh chóng vươn ra ngoài thế giới.
- Ta cũng không nên quá khắt khe. Âm nhạc vốn không có rào cản về ngôn ngữ. Đã có biết bao bài hát đi vào lòng người bằng chính tiếng mẹ đẻ của nó.
- Vẫn biết thế! Âm nhạc có thể vượt qua “hàng rào” ngôn ngữ, nhưng những bài hát lại “gói” vào ngôn ngữ sinh ra nó, tinh thần, tình cảm của tiếng mẹ đẻ. Tiếng Anh ngô nghê khi hò hát e rằng chỉ muốn tỏ ra “sành điệu” thì chẳng ra thể thống gì.