- Hà Nội sẽ triển khai nền tảng số để chi trả lương hưu không dùng tiền mặt
- Đề xuất mới về tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu của cán bộ, công chức
![]() |
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bình quân ở mức 5,7 triệu đồng/tháng |
Bộ LĐ-TB&XH đã có báo cáo kết quả 6 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014, giai đoạn 2016-2021. Đánh giá về công tác thu bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội tăng dần theo các năm.
Cụ thể, năm 2016, mức tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 4,2 triệu đồng/tháng. Đến năm 2021, tiền lương đóng bảo hiểm đã tăng lên mức gần 5,7 triệu đồng/tháng, tăng hơn 30%.
Như vậy, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động của năm 2021 bằng 86% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương và bằng 76% GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2021.
Lý giải về việc tăng trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, tiền lương căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tăng do Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định mới là tiền lương đóng bảo hiểm phải là mức lương, phụ cấp lương theo quy định pháp luật.
Mặc dù vậy, sau năm 2016, mức tiền lương làm căn cứ đóng tăng không đáng kể, chỉ tăng theo sự điều chỉnh mức tăng tiền lương tối thiểu vùng hằng năm.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất, cơ quan soạn thảo đề xuất căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu vùng, cũng để phù hợp với định hướng khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ không còn mức lương cơ sở.
Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố; cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.