Tiền đang “chảy” đi đâu?

ANTĐ - Các khoản vay phi chính thức mặc dù chỉ chiếm khoảng 9-10% tổng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng đây lại là một ngân khoản thường xuyên không thể thiếu trong ngân sách vốn eo hẹp của khu vực kinh tế này. Điều này cho thấy các doanh nghiệp ngoài nhà nước phải “sống” dựa vào nguồn vốn vay phi chính thức để đảm bảo nguồn vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có nghĩa “huyết mạch” nuôi sống cơ thể không thể trông chờ vào vốn tín dụng.

Đó là một trong những kết luận được đưa ra tại buổi công bố báo cáo: “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp vừa và nhỏ” do Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, khoa Kinh tế trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch) và trường Đại học Liên hợp quốc thực hiện. Điều tra khoảng 2.500 doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất tại 10 tỉnh, thành trên cả nước cho thấy, tiếp cận vốn tín dụng vẫn luôn là vật chướng ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp luôn ở vị trí yếu thế và lép vế về mọi phương diện, trong khi đây lại là khu vực kinh tế đóng góp phần không nhỏ vào GDP, nhất là tạo việc làm cho xã hội.

Mặc dù những rào cản tín dụng đã được dỡ bỏ không ít từ năm 2009 đến năm 2011, song gần 39% doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ luôn gặp khó khăn, rắc rối và phiền toái khi tiếp cận tín dụng. Đáng quan tâm là số lượng doanh nghiệp phải chạy vạy vay vốn phi chính thức nhiều gấp đôi so với các doanh nghiệp được vay chính thức. Có tới 90% vì quá khó khăn để “lọt cửa” thị trường tín dụng chính thức nên phải “chạy” vào cửa tín dụng phi chính thức. Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, kết quả điều tra chứng tỏ một thực tế thật đáng lo ngại là, nhu cầu vốn tín dụng của doanh nghiệp vẫn rất cao, thế nhưng rào cản tín dụng chính thức còn cao hơn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ sức “vượt rào”, số doanh nghiệp có tài “lách rào”, “xé rào” không đáng là bao. Cho dù đã có Quỹ Bảo lãnh tín dụng nhưng nguồn quỹ vừa hạn hẹp, vừa nhỏ giọt. Ngay cả khi được chạm tay vào nguồn vốn này, doanh nghiệp cũng chỉ được vay vốn ngắn hạn chứ nguồn vốn dài hạn không đến lượt. Từ đầu năm đến nay, tiếng “kêu đói” vốn của giới doanh nghiệp vẫn không ngớt nhưng tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tính đến đầu tháng 11 chỉ đạt 3,36%, trong khi tăng trưởng huy động lên tới 14%, tương đương 400.000 tỷ đồng. Ngân hàng vẫn âm thầm lách trần lãi suất để đảm bảo thanh khoản, đảm bảo cung tiền. Tuy vậy, dư luận vẫn thắc mắc. Vì sao tỷ lệ huy động vốn khá cao mà tiền dư nợ tín dụng lại quá thấp? Nghịch cảnh này chứng tỏ tiền vẫn chưa thực sự “chảy” vào sản xuất, kinh doanh. Vậy tiền ngân hàng đang “chảy” đi đâu?

Theo lý giải của giới chuyên gia, những hoạt động thâu tóm, mua bán, sáp nhập, các công ty sân sau, sở hữu chéo trong ngân hàng đã tạo vòng luẩn quẩn của dòng tiền. Hơn thế, nguồn tiền huy động dồi dào nhưng không cho vay được nên họ đổ xô mua trái phiếu. Bởi vậy, nếu không ngăn chặn dòng tiền lòng vòng trong ngân hàng, thì nợ xấu sẽ càng “phình” to và càng khó xác định. Kết cục là lãi suất tiếp tục bị đẩy lên cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ càng lao đao, “đói” vốn dài.