Thưởng thức chả rươi thơm ngon đúng điệu

ANTĐ - Ca dao có câu rằng: “Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng 5”. Cứ đến tầm thời gian này thời tiết rất lạ, mấy ngày liền, nắng không ra nắng, mưa cũng chẳng thành mưa. Các bà, các mẹ thì nhìn trời mà nhẩm “mưa rươi rồi”, rồi lại chép miệng “Kẻ ăn rươi, người chịu bão”. Thế rồi lang thang ra phố bắt gặp tiếng rao “Ai mua rươi ra mùa”. Mùa rươi đến thật rồi.
Thưởng thức chả rươi thơm ngon đúng điệu ảnh 1

Khi thời tiết “dở dở ương ương” là do vùng biển động, có bão nhưng vài ngày sau, rươi sẽ nổi lên đầy mặt sông nước lợ,  người dân chỉ việc ra vớt về bán, thường đúng là lúc thời tiết chuyển mùa những ngày từ 20 tháng 9 đến mùng 5 tháng 10 âm lịch. Mua rươi ở Hà Nội không khó lắm, chợ Hàng Da phía phố Nguyễn Văn Tố, cổng chợ Đức Viên phố Ngô Thì Nhậm hoặc cứ ngồi trà đá vỉa hè khu phố cổ tầm sau 9h sáng. Hễ cứ nghe thấy tiếng rao “Ai mua rươi ra mùa” của một bà quẩy quang gánh trên vai chiếc thùng xốp là đang bán rươi đấy. 

Công đoạn chế biến món chả rươi thơm ngon cũng là một nghệ thuật. Rươi rửa sạch bằng nước lã, nhẹ tay kẻo nát. Đổ nước gần sôi vào bát to rồi thả rươi vào, lấy đũa khuấy nhẹ rồi vớt rươi ra. Sau đó lại đổ nước sôi vào rươi khuấy nhẹ cho rươi rụng hết lông chỉ còn lại rươi nhẵn thịt màu đỏ hồng. Thịt nạc vai băm nhuyễn; vỏ quýt hôi, hành củ, thì là, lá gấc non xắt nhỏ. Đập trứng gà rồi trộn đều thịt băm, rươi, vỏ quýt, lá gấc non, thì là, hành củ, nêm chút gia vị. Bắc chảo lên bếp, rán bằng mỡ lợn chứ không dùng dầu ăn, lấy muôi dẹt thả từng múc rươi vào chảo rồi đập nhẹ cho bẹt, chín một mặt, lật lại mặt kia. Rươi chín gắp ra đĩa. Nước mắm cốt, vắt chút chanh đào, thêm chút hạt tiêu, vỏ quýt xé to. Rau mùi Láng rải vài cọng lên đĩa rươi thơm sang cả nhà hàng xóm. 

Thưởng thức chả rươi lúc nóng, nhấp chút rượu trắng và bún con cắt đôi. Món rươi xào củ niễng (hay còn gọi là lúa bắp) sẽ cầu kỳ hơn một chút. Thịt ba chỉ luộc xong thái nhỏ. Hành tây thái mảnh, hành hoa cắt. Rươi xào nhẹ, nêm chút nước mắm cốt, hành hoa, hành tây, khi chín bắc ra. Thịt ba chỉ luộc đã thái cho vào chảo rang cháy xém cạnh, cho rươi đã xào vào đảo đều, đập thêm một, hai quả trứng, lá gấc non, vỏ quýt hôi xắt nhỏ, đảo đều, rắc lá thì là rồi xúc vào đĩa. Chả rươi có thể không cho lá gấc non nhưng củ niễng xào rươi thì nhất định phải có, nó làm nên vị đặc trưng của rươi. Tôi đã thử làm 2 đĩa, một cho lá gấc và một không. Vậy mà thực khách vẫn khen đĩa có lá gấc ngon hơn. Kinh nghiệm về ẩm thực của các cụ để lại cấm có sai bao giờ.

Món ngon về rươi còn có mắm rươi. Thứ mắm ăn gần giống mắm tép. Rau cải xanh, cải cúc, cải bắp, cần, hành củ chẻ đôi, khế chua cắt sao, vỏ quýt thái vuông nhỏ, lạc, thịt ba chỉ luộc thái mỏng. Mắm rươi có thể ăn sống hoặc chưng lên với gia vị. Rau mỗi thứ một chút, hành củ, một miếng khế chua, một miếng thịt luộc chấm mắm và vài hạt lạc rang, thêm chút vỏ quýt, cùng bún con cắt đôi. Cái miếng mắm rươi khiến cho mấy thứ rau ăn sống kia trở nên thơm ngon, thịt không ngấy, mắm không mặn, khế không chua, hành củ không hăng lại thêm bùi của lạc, thơm cay của vỏ quýt. Mắm rươi ăn no mà vẫn thấy nhẹ bụng. Chính vì thế món mắm rươi ít khi thưởng thức vào đúng mùa rươi, mà được để dành đến Tết.

Còn ở nơi xa hơn, tận Trà Vinh, rươi hầu như có quanh năm và chỉ để làm nước mắm. Thứ nước mắm ngon tuyệt vời. Nhưng do thời tiết nóng, món chả rươi sẽ khiến cho người ta thấy ngấy, khó chịu vô cùng. Đó cũng là ý “Kẻ ăn rươi, người chịu bão”.