Thương quá Bảo tàng B52...

(ANTĐ) - Nằm nép mình khiêm tốn giữa phố Đội Cấn là một trong những địa điểm trưng bày di tích lịch sử có một không hai trên thế giới - Bảo tàng chiến thắng B52.

Thương quá Bảo tàng B52...

(ANTĐ) - Nằm nép mình khiêm tốn giữa phố Đội Cấn là một trong những địa điểm trưng bày di tích lịch sử có một không hai trên thế giới - Bảo tàng chiến thắng B52.

Đã 35 năm qua đi nhưng tại đây người ta vẫn có thể tìm thấy quá khứ hào hùng của trận “Điện Biên Phủ trên không” cũng như khí thế chiến đấu sục sôi của quân và dân Thủ đô trong suốt 12 ngày đêm khói lửa. Tuy vậy đến nay chứng tích lịch sử này đang bị xâm hại một cách đáng thương...

Heo hút khách

Cùng với nhiều điểm tham quan tìm hiểu lịch sử khác như: Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Thăng Long tứ trấn... Bảo tàng chiến thắng B52 được xem là một chứng tích lịch sử với những thước phim tư liệu chân thực, hệ thống sa bàn điện tử hiện đại đến xác máy bay B52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội được lưu giữ ở đây đều gợi lại cho người xem cảm xúc hào sảng về trận chiến 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Song đáng buồn là Bảo tàng chưa thực sự thu hút được sự quan tâm chú ý của đông đảo người xem. Mặc dù không thu bất kỳ khoản phí tham quan nào song trên thực tế, lượng người đến Bảo tàng mới chỉ dừng lại ở con số khá khiêm tốn.

Một góc Bảo tàng
Một góc Bảo tàng

Ngay giữa những ngày cả nước đang sôi nổi hướng đến Kỷ niệm 35 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không mà cũng chỉ  heo hút vài ba khách. Gian phòng trong nhà rộng 1.100 mét vuông như càng trở nên thênh thang hơn khi vẻn vẹn chỉ có 3 em học sinh lớp 10 đang ngắm nhìn hiện vật. Em Thùy Linh (PTTH Nguyễn Tất Thành) cho biết mục đích chuyến đi trên của cả nhóm cũng chỉ vì cô giáo yêu cầu tìm hiểu trận chiến hào hùng này nhằm phục vụ cho tiết học lịch sử sắp tới.

“Đây là lần đầu tiên em đến đây nhưng loanh quanh suốt cả buổi mà vẫn chưa tìm hiểu được hết. Các anh chị hướng dẫn bảo bọn em tự tìm hiểu, còn đi theo đoàn đông mới có thuyết minh!” - Thùy Linh cho biết. Mặc dù hồ hởi khi công bố con số khách tham quan là 25.000 - 30.000 lượt người tính từ đầu năm tới giờ song ông Chu Xuân Trang - Giám đốc Bảo tàng chiến thắng B52 cũng phải chạnh lòng thừa nhận quả thực lượng khách tham quan chủ yếu là đi theo đoàn, còn khách đi lẻ mỗi ngày thì không đáng kể chỉ khoảng vài ba chục người.

Khó trăm bề

Trong khuôn viên ngoài trời rộng hơn 4.000 mét vuông của Bảo tàng, xác 16 chiếc máy bay B52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội trưng bày la liệt đã đủ chật cứng lối đi. Đấy là chưa kể những lúc có đoàn khách đến thăm quan, ôtô lớn bé đậu ngổn ngang trên cả đường đi dành riêng cho người đi bộ.

Chật chội được xem là một trong những lý do khiến Bảo tàng không thể phát triển các dịch vụ văn hóa để phục vụ người xem chu đáo như ở những địa điểm khác. Trong khi đó theo ông Chu Xuân Trang, mặc dù phía trước cửa có một bãi đất trống rộng 3.053 mét vuông song đành phải tận dụng làm bãi đỗ xe vì thực chất đấy là đất lưu không mà thành phố nhờ Bảo tàng trông giữ hộ  để sau này làm công tác giải phóng mặt bằng.

Hồ Hữu Tiệp
Hồ Hữu Tiệp

Thiếu diện tích để mở các dịch vụ văn hóa là vậy nhưng lâu nay Bảo tàng vẫn tận dụng một khoảng đất trong sân trưng bày để cho thuê làm vườn ươm cây cảnh và mở dịch vụ cưới hỏi ở hội trường tầng 1 khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Song điều này theo giải thích của người trong cuộc là để vừa tạo ra cảnh quan xung quanh, đồng thời cũng là hình thức dịch vụ có thu bổ sung vào ngân sách của Bảo tàng.

Hồ Hữu Tiệp bị xâm hại nghiêm trọng

Không nằm cùng khuôn viên nhưng di tích lịch sử cấp quốc gia Hồ Hữu Tiệp (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) cũng là một trong những địa danh thuộc sự quản lý của Bảo tàng B52. Song đã nhiều năm qua di tích này đang bị xâm hại nghiêm trọng khiến nhiều du khách không khỏi phiền lòng. Con đường dẫn vào hồ đang ngày càng bị thu hẹp bởi các hàng rong, quán cóc, xe thồ...

Có lẽ xác chiếc máy bay B52 là dấu hiệu duy nhất để người ta nhận ra di tích này trong tổng thể những đống lổn nhổn vật liệu chất xung quanh. Trong một cuộc họp liên tịch giữa chính quyền địa phương với phía Bảo tàng, đại diện chính quyền đã phải thốt lên: “Chúng tôi đi tuần tra thấy xe máy đi vèo vèo từ trong ngõ ra, vứt rác xuống hồ rồi chạy mất, đuổi cũng không kịp, đã phải đặt một tổ công tác ở khu di tích đó, cứ thấy ai xách rác và lảng vảng ở đấy là phải gọi loa kêu gọi nhưng vẫn không ăn thua”.  

Chiến tranh đã qua đi, những nhân chứng lịch sử cũng ngày càng mai một, rồi đây Bảo tàng chiến thắng B52 sẽ là điểm đến duy nhất để giúp các thế hệ sau này và du khách thập phương hiểu hơn về trận chiến Điện Biên Phủ trên không oanh liệt ngày nào. Nhưng với những tồn tại như vậy, sẽ không biết đến bao giờ Bảo tàng B52 mới được trân trọng cho đúng tầm với lịch sử...

Bích Hậu