Thúng gạo, tiền lễ tiễn đưa người đã khuất trong dịp Tết

ANTD.VN - Sau những bữa cơm cúng ngày Tết, đến chiều ngày mùng 1 hoặc mùng 2 một số gia đình sẽ làm lễ đưa tiễn vong linh người đã khuất xuống suối vàng. Trong lễ cúng này ngoài mâm cỗ còn có thúng gạo trắng, tiền được xem là "quà", là hành trang để vong linh của ông bà, tổ tiên trở về nơi chín suối.

Những ngày Tết cổ truyền, cũng giống như ở các miền quê khác, người dân huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An gia đình nào cũng làm mâm cỗ cúng người đã khuất. Thông thường, vào ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp các gia đình sẽ đi tảo mộ rồi mời ông bà, tổ tiên, người thân của mình về ăn Tết.

Mâm cỗ cúng tổ tiên của người dân xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An

Ngày đầu tiên sẽ là lễ rước, mâm cỗ rất tinh tươm và đầy đủ các món tượng trưng cho sự sum vầy, no đủ. Ở đây, người dân vẫn còn duy trì được tục góp cỗ. Với những gia đình ở xa không thể làm mâm đưa về thắp hương được thì sẽ đưa bánh chưng, rượu và gà xuống góp cho tộc trưởng nhờ làm mâm cúng giúp mình.

Anh Phạm Xuân Dao cho biết: “Ngày 30 tết năm nào tôi cũng về quê cách nhà 20 km để góp cỗ. Lễ góp không đòi hỏi gì nhiều, tùy tâm và hoàn cảnh của mỗi gia đình. Thông thường sẽ dùng bánh chưng, bánh tét, chai rượu…”.

Tục gánh cỗ đi cúng vẫn được duy trì ở nhiều xã của huyện Yên Thành, Nghệ An

Đối với những gia đình ở gần, vẫn còn tục gánh mâm góp cỗ cúng. Không phân biệt trai gái, những gia đình ở gần sẽ đảm nhiệm 1 bữa cúng cỗ trong ngày. Đến phiên mình, gia đình được chỉ định sẽ làm 1 hoặc 2 mâm cỗ tươm tất rồi gánh sang nhà tộc trưởng nơi đặt bàn thờ bố mẹ, ông bà, tổ tiên của mình để làm lễ cúng.

Sau khi làm lễ cúng xong, con cháu sẽ hạ lễ rồi cùng nhau ăn uống. Ngày cúng cuối cùng sẽ là lễ đưa. Trong lễ này, người dân ở đây cũng sẽ làm mâm cỗ để tiễn người đã khuất. Ngoài mâm cỗ, trong lễ này còn có 1 thúng (đấu) gạo trắng và tiền mặt.

Thúng gạo, tiền lễ tiễn đưa người đã khuất trong dịp Tết ảnh 3

Ông Dương Ngọc Hùng chia sẻ về lễ tiễn đưa người đã khuất bằng thúng gạo vào tiền mặt

Ông Dương Ngọc Hùng (70 tuổi) trú xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành, Yên Thành, Nghệ An chia sẻ: “Tục lệ xưa nay mọi người đều lưu giữ như vậy. Thúng gạo, đôi quang gánh được xem là quà gửi cho ông bà làm quà đưa về cõi âm. Ngoài gạo, gia chủ còn để tiền hay ví vào thúng gạo để làm lộ phí cho ông bà, tổ tiên trở về”.

“Từ trước đến nay, gia đình tôi đều duy trì rước vào ngày 30 Tết hoặc ngày 29 Tết đối với năm thiếu còn đưa thì ngày mùng 1 Tết. Các con đều ở gần nên chúng chia nhau làm cỗ đưa về thắp hương. Trong lễ tiễn thì cũng có gạo, có tiền để ông bà, tổ tiên đưa về cõi âm. Thực ra chúng tôi cũng không biết thực chất ý nghĩa của việc chuẩn bị gạo, tiền đó có nghĩa gì nhưng cứ theo như người trần đi chơi có quà thì người âm cũng như vậy”, bà Dương Thị Thủy (60 tuổi, trú xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) cho biết.

Chú trọng việc thắp hương, thờ cúng người đã khuất trong dịp Tết đến được xem là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được người dân nơi đây lưu giữ từ trước đến nay. Xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng cao nhưng nét văn hóa thờ cúng vẫn được người dân xã Thịnh Thành nói riêng và người dân huyện Yên Thành lưu giữ trọn vẹn.