Thuế "trói tay" doanh nghiệp

ANTĐ - Thị trường bất động sản khởi sắc,  nỗi lo “bong bóng” hầu như không còn ám ảnh giới doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này khi tính thanh khoản gia tăng, ổn định, tỷ lệ tồn kho ngày càng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại đang bị “trói chặt” bởi sợi dây cơ chế thuế.

Pháp luật về thuế quy định, Nhà nước cho phép hạch toán bù trừ trong kinh doanh để xác định lợi nhuận và nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Thế nhưng không hiểu vì sao cơ chế này lại không được áp dụng trong kinh doanh bất động sản (BĐS).

Cụ thể, nếu doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, trong đó có BĐS, phần lãi của hoạt động kinh doanh khác có thể bù lỗ cho phần kinh doanh BĐS. Song, doanh nghiệp có lãi từ BĐS sẽ phải xác định riêng để kê khai nộp thuế TNDN. Đây là vấn đề không mới, nhưng ở thời điểm này lại trút thêm gánh nặng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS.

Thông thường các doanh nghiệp đều hoạt động trên cùng một dòng vốn và theo nguyên tắc hạch toán “trọn gói”, không có lý gì tách bạch riêng phần nào phải chịu thuế, phần nào không. Do vậy, việc tính thuế riêng cho phần kinh doanh BĐS chắc chắn sẽ đẩy khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí một số doanh nghiệp thua lỗ hoặc nhiều dự án không có lợi nhuận vẫn bị gộp vào tính thuế. 

Các chuyên gia nhận định, đây là một chủ trương mang tính áp đặt và không công bằng. Hơn thế, kinh doanh BĐS hiện nay còn phụ thuộc vào việc vay lãi ngân hàng với gánh nặng lãi suất lớn, nếu phải chịu thêm phần thuế TNDN tại các dự án không hiệu quả, khó khăn càng chồng chất lên vai doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Nên nhớ rằng thị trường này mới chỉ có những tín hiệu khởi sắc, nợ xấu vẫn còn “chôn” sâu, việc tận thu các khoản thuế vừa chưa hợp lý, vừa gây sức ép nặng nề lên khả năng cân đối thu chi cũng như chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Mặc dù BĐS là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng chuyện đánh thuế quá chặt tay, cứng nhắc sẽ gây ra những hiệu ứng và phản ứng dây chuyền khiến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sẽ e ngại, đắn đo. Nếu không nuôi dưỡng nguồn thu bằng cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cởi trói những cơ chế, “dây dợ” không hợp lý, rất có thể không ít doanh nghiệp sẽ mấp mé bờ vực phá sản.

Đương nhiên, thu thuế đúng, đủ và công bằng với các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS là mục đích cuối cùng của ngành thuế. Tuy vậy, việc đánh thuế “một chiều” áp đặt máy móc đối với các doanh nghiệp ngành BĐS, cần được xoay theo chiều hướng lâu dài, tránh kiểu “bóc ngắn cắn dài” tận thu đến mức doanh nghiệp... kiệt sức.