Thuế suất =0, doanh nghiệp chỉ biết... lo?

ANTĐ - Hàng nghìn dòng thuế xuất nhập khẩu sẽ về mức 0%, đồng nghĩa hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam cũng như hàng hóa Việt Nam xuất đi các nước không còn rào cản. Nông sản Việt Nam không còn đường lùi trong bối cảnh hội nhập, tuy vậy, nhiều địa phương, doanh nghiệp vẫn mang tư tưởng “bao cấp”.

Thuế suất =0, doanh nghiệp chỉ biết... lo? ảnh 1Nông nghiệp Việt Nam đang đối đầu với sự vào cuộc của các thị trường nông sản lớn thế giới

Thách thức hiển hiện

Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ  Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cho biết, đến nay, Việt Nam đã tham gia ký hết 8 Hiệp định thương mại tự do (AFTA) với những thị trường lớn, đầy tiềm năng như khu vực ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… Đây là những thị trường có nhu cầu tiêu thụ nông sản lớn, nhưng đòi hỏi về chất lượng khắt khe. Trong khi đó, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia… cũng là những đối thủ đáng gờm trong sản xuất nông nghiệp. Theo lộ trình các Hiệp định AFTA đã ký kết, giai đoạn 2015-2018, hàng nghìn dòng thuế các sản phẩm từ tiêu dùng đến nông, lâm thủy sản sẽ áp thuế suất từ 0-5%.

Hội nhập đã giúp nông nghiệp Việt Nam liên tiếp đạt mức xuất siêu trong nhiều năm qua. Cụ thể, năm 2013 đạt 8,5 tỷ USD, năm 2014 đạt xấp xỉ 9 tỷ USD. Tuy nhiên, hội nhập cũng sẽ kéo theo hàng loạt rủi ro và thách thức mà sản xuất nông nghiệp phải đối đầu, trong đó, những mặt hàng “nhạy cảm” của ngành nông nghiệp như gạo, chăn nuôi, đường… sẽ buộc phải cắt giảm thuế suất về mức 0-5% chỉ trong một vài năm tới. Những năm qua, do Việt Nam được ưu ái khi gia tham gia các Hiệp định thương mại, nhưng chỉ một thời gian ngắn nữa, Việt Nam sẽ phải chơi cùng sân và chung luật. Một số mặt hàng nông nghiệp vừa qua được bảo hộ cao như chăn nuôi, mía đường… tới đây sẽ về mức thuế 0% trong khu vực ASEAN, vì vậy nếu chúng ta không có biện pháp phù hợp thì Việt Nam sẽ thành thị trường tiêu thụ của các nước. 

Mù mờ về hội nhập

Ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ, Hà Tĩnh là địa phương còn nhiều khó khăn, trong đó nông nghiệp vẫn là chủ lực. Vì vậy, đứng trước cơ hội hội nhập với những thị trường lớn, tỉnh này vẫn mang tâm lý lo lắng. “Với cách tổ chức sản xuất như hiện nay, hàng trong nước không thể cạnh tranh với hàng nước ngoài, khi hàng hóa của họ tràn vào thì sẽ khó hình dung thị trường diễn biến thế nào”, ông Lê Đình Sơn nhận định.

Thông tin về việc gia nhập các Hiệp định AFTA đến nay còn rất mù mờ đối với lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, gần như không có sự chuẩn bị việc hoạch định chiến lược sản xuất để ra thị trường lớn. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, chúng ta phải dũng cảm tiến lên chứ không thể bàn lùi để đóng cửa lại. Do vậy, ngành nông nghiệp đề nghị, từ năm 2015, các tỉnh, thành phố cần tập trung phát triển bền vững các ngành sản xuất nông sản, tránh phát triển ồ ạt, tự phát như thời gian qua…