Thực phẩm “bẩn” vào nội địa: Nhiều cửa gác vẫn cứ lọt

ANTĐ - Những quán nướng vỉa hè khi phố lên đèn lại đông như hội. Những đĩa nầm, mề, chân gà… nướng vàng ruộm, thơm phức. Nhưng mấy ai biết rằng, phần lớn những món ăn hấp dẫn đó ẩn chứa hàng trăm mối nguy cho sức khỏe.

Nội tạng động vật không rõ nguồn gốc là nguy cơ tiềm ẩn tại các quán đồ nướng vỉa hè   


Món nướng vỉa hè thành… mốt

Đã thành thông lệ, về cuối năm, thực phẩm “bẩn” như nầm lợn, nội tạng lợn, chân gà, mề gà… lại ùn ùn đổ vào thị trường trong nước. Năm nào cũng vậy, dường như việc thực thi cũng chỉ dừng lại ở khía cạnh phát hiện vụ việc đơn lẻ và xử phạt, mà không làm thuyên giảm cũng như chấm dứt được thực phẩm “bẩn” nối đuôi nhau vào sâu nội địa rồi lên bàn nhậu. Tiết trời chớm đông se se lạnh, khi Hà Nội bắt đầu lên đèn cũng là lúc các quán nướng vào giờ hoạt động. Thời gian gần đây, loại hình ăn uống này lại có đất phát. Các quán nướng thi nhau mọc lên, san sát, theo đó, là các phố nướng vỉa hè hình thành. Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cát Linh… đâu đâu cũng thấy nầm bò nướng, chân gà nướng, dạ dày, mề gà nướng… thôi thì đủ các món, trong đó, phần lớn là nội tạng động vật.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ những “phố nướng” có thâm niên đến những “phố nướng” ăn theo mới ra đời, quán nào cũng đông đúc, tấp nập thực khách. Những đĩa nầm, dạ dày, mề… được tẩm ướp gia vị vàng ruộm, nướng thơm phức, khó lòng cưỡng lại giữa tiết trời se lạnh về đêm. Trong số những thực khách ấy, không ít người đã biết và cũng hàng nghìn người không hay biết, mình đang đưa vào cơ thể những loại thực phẩm “lậu”, thực phẩm “bẩn” với hàng trăm thứ hóa chất âm thầm độc hại. Những đĩa nầm lợn, những cái chân gà nướng giòn… ấy, để đến được tay người tiêu dùng, nó đã lênh đênh hàng tháng ròng trên biển trước khi về tới Việt Nam. Và để nó không thối, người ta phải dùng hóa chất để tẩm ướp, giữ cho nội tạng được khô ráo, tươi. Hơn nữa, cái món được nhiều quán nướng trưng là nầm dê thực chất chỉ là nầm lợn. Vì trên thực tế, mỗi con dê chỉ được vài lạng nầm, không thể đủ cung cấp cho hàng trăm quán nướng với hàng nghìn thực khách mỗi ngày. Hầu hết các vụ bắt giữ nầm bẩn, đều là nầm lợn.

Lọt qua biên giới quá dễ

Càng về cuối năm, tuyến biên giới Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái, những cửa ngõ để thực phẩm “bẩn” đi vào nội địa lại càng nóng. Đầu tháng 11 vừa qua, Công an thành phố Lạng Sơn phối hợp với lực lượng QLTT và các cơ quan liên quan đã phát hiện hơn 3 tấn nầm “bẩn” đang chuẩn bị được bốc dỡ xuống các xe tải để tuồn vào nội địa. Tại cửa khẩu Lạng Sơn, mỗi kilôgam nầm lợn “bẩn” nhập lậu chỉ có giá vài nghìn đồng nhưng khi đến các nhà hàng đặc sản được bán với giá vài trăm nghìn đồng. Chính vì vậy, các đối tượng buôn bán, chủ nhiều quán nướng đã coi thường tính mạng người tiêu dùng, tìm mọi cách tuồn nầm và nội tạng “bẩn” vào nội địa để tiêu thụ.

Tại Hà Nội, dù đã qua nhiều cánh cửa gác, nhưng thực phẩm “bẩn” vẫn đổ về. Liên tiếp các vụ phát hiện, xử lý nội tạng “bẩn”, nầm “bẩn” thời gian qua. Song, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, những quán nướng vỉa hè với đủ các món từ nội tạng động vật vẫn hoạt động đông đảo và ngày càng nhiều thêm. Ông Nguyễn Hồng Bảo - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, trong 10 tháng qua, QLTT đã phối hợp với các ngành kiểm tra, xử lý 505 vụ vi phạm về VSATTP, phạt hành chính trên 2,15 tỷ đồng. Theo ông Bảo, để phát hiện một vụ vận chuyển thực phẩm “bẩn” lực lượng chuyên ngành phải tổ chức theo dõi cả tuần, thậm chí cả tháng trước đó. “Các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, vì vậy, nếu kiểm tra đột xuất rất khó phát hiện. Trong khi đó, lực lượng không thể chỉ tập trung vào một lĩnh vực VSATTP, càng về cuối năm, hàng hóa càng nóng, việc kiểm soát thực phẩm “bẩn” trên thị trường cũng khó khăn hơn”, ông Bảo nói.

Còn tại cửa khẩu Lào Cai, bà Nguyễn  Thị Khang - Chi cục trưởng Chi cục Thú y, đơn vị có nhiệm vụ kiểm dịch đối với mặt hàng này cho biết, đơn vị chỉ chịu trách nhiệm kiểm dịch đối với hàng nhập khẩu chính ngạch. Trong khi nội tạng chiếm đến 99% là nhập lậu và tất nhiên, không ai kiểm soát. Tuy nhiên, theo đại diện Hải quan các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Lào Cao… chính sách biên mậu hiệu đang làm khó cơ quan chức năng. “Lợi dụng chính sách biên mậu, các đầu nậu đã thuê cư dân biên giới cõng hàng về tập kết, sau đó đưa về xuôi tiêu thụ. Vận chuyển kiểu này, rất khó kiểm soát”, một lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho biết.

Nội tạng “bẩn” nhập lậu vẫn ngày ngày lọt lưới qua biên giới để vào nội địa, qua nhiều cửa gác. Quy định xử phạt cho hành vi buôn bán thực phẩm “bẩn” lại quá nhẹ, mức xử phạt không đủ sức răn đe. Đó còn chưa kể, một số đơn vị “ngại” bắt, tịch thu loại hàng hóa này vì không có kho cũng như bảo quản khó khăn. Bên cạnh đó rất cần ngành ATVSTP kiểm tra, xử lý những nơi tiêu thụ thực phẩm bẩn, thực phẩm chứa hóa chất gây hại này.