Thực hư việc ăn mì tôm gây nóng trong người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều người cho rằng ăn mì nhiều gây nóng và nổi mụn. Vậy quan niệm này có thực sự đúng?

Nóng trong có phải do thực phẩm?

Tình trạng nóng trong xảy ra do chức năng của phủ tạng yếu, không chuyển hóa được hoàn toàn các chất độc và gây ứ đọng, gan và thận suy yếu nên các chức năng giải độc hoạt động không hiệu quả. Điều này chính là nguyên nhân gây ra những biểu hiện của nóng trong như mụn nhọt, mẩn ngứa… Do vậy, khi gặp phải những triệu chứng như vậy, nhiều người thường cho rằng mình bị nóng trong và cho rằng nguyên nhân do các loại thực phẩm mình vừa ăn.

Nên kết hợp mì với các loại thực phẩm khác nhau để cân bằng dinh dưỡng và cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể

Nên kết hợp mì với các loại thực phẩm khác nhau để cân bằng dinh dưỡng và cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể

Ngoài ra, một phần theo cơ chế chuyển hóa các chất trong cơ thể, khi sử dụng các loại thực phẩm nhiều năng lượng - chất đạm, chất béo, chất bột đường thì cơ thể phải sử dụng năng lượng để chuyển hóa các thức ăn này. Năng lượng thừa bị đốt cháy làm gia tăng chuyển hóa cơ bản nên sinh nhiệt trong cơ thể gây nóng; ngoài ra việc uống quá ít nước sẽ không đủ làm mát cơ thể.

Vì thế, không chỉ riêng mì ăn liền mà bất kỳ một loại thực phẩm nào nếu sử dụng thường xuyên mà không kết hợp với các thực phẩm khác thì sẽ không đảm bảo tính đa dạng của bữa ăn, dễ dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng làm cơ thể mệt mỏi, táo bón, thiếu nước gây cảm giác nóng trong người và nổi mụn. Do đó, mỗi người phải có cách điều chỉnh để các chất dinh dưỡng (tinh bột, chất béo, chất đạm; vitamin, chất khoáng) được cung cấp vào cơ thể vừa đủ và phù hợp với nhu cầu của từng người, giúp đảm bảo cho các hoạt động và chuyển hóa hàng ngày…

Mì tôm gây ung thư?

Thông tin mì tôm gây ung thư xuất phát từ thực phẩm này chứa chất phụ gia bảo quản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, người tiêu dùng hoang mang là do chưa hiểu rõ các chất phụ gia được phép cho vào trong thực phẩm công nghiệp nói chung và mì ăn liền riêng. Các chất này đều được quy định giới hạn về hàm lượng an toàn, nằm trong tiêu chuẩn cho phép, được cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, người tiêu dùng cần lựa chọn các sản phẩm được các cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp phép.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, đến nay trên thế giới chưa ghi nhận kết quả nghiên cứu khoa học nào chứng mình thực phẩm này là nguyên nhân gây ung thư.

Mì ăn liền gây khó tiêu?

Một số người cho rằng mì ăn liền gây rối loạn chức năng dạ dày do sử dụng nhiều chất phụ gia và bảo quản. Trên thực tế, mì ăn liền được bảo quản lâu bằng phương pháp làm khô mì thông qua cách chiên hoặc sấy để độ ẩm trong mì được giảm xuống mức thấp nhất. Vì vậy, việc cho rằng mì ăn liền chứa nhiều chất bảo quản gây đầy bụng là chưa chính xác.

Ăn mì gói nhiều bị thiếu chất dinh dưỡng?

Không có một loại thực phẩm nào có thể đáp ứng trọn vẹn dinh dưỡng cho một bữa ăn. Mì ăn liền chứa thành phần dinh dưỡng chính là tinh bột như cơm, bún, bánh phở nên không thể đòi hỏi một gói mì có thể cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Do vậy, người dùng có thể kết hợp mì ăn liền với rau xanh và chất đạm để tạo thành bữa ăn phong phú, đủ dinh dưỡng.

Ăn mì đúng cách

Theo các chuyên gia, một bữa ăn hợp lý cần kết hợp đầy đủ và cân bằng giữa 4 nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Mì ăn liền cũng là thực phẩm cơ bản tương tự như cơm, bún, bánh phở… nên mọi người có thể dễ dàng kết hợp cùng các loại thực phẩm khác (thịt, trứng, hải sản, rau xanh…) để tạo nên bữa ăn hoàn chỉnh, để có bữa ăn ngon, đủ chất với mì ăn liền.

Hoàn toàn không nên trần mì qua nước sôi trước khi sử dụng. Các sản phẩm của các hãng mì uy tín đều đảm bảo phù hợp quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tùy vào hương vị của từng sản phẩm mà sợi mì sẽ được sử dụng các gia vị tẩm ướp phù hợp, cũng như sử dụng chiết xuất từ nghệ tươi hay bột nghệ để tạo nên màu vàng bắt mắt và cung cấp thêm dinh dưỡng cho người dùng. Vì thế, trần mì trước khi ăn vô tình làm mất đi một phần dinh dưỡng cũng như hương vị đặc trưng, vị ngon hấp dẫn của món ăn này. Thời gian chế biến mì khoảng 3 phút. Đối với các sản phẩm khác có sợi mì đặc trưng khác nhau nên cũng sẽ có thời gian khác nhau.

Để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, theo các chuyên gia, nên ăn mì tôm tối đa 1 - 2 lần/tuần. Khi ăn nên bỏ gói mỡ đi, chọn mì không chiên để giảm mỡ, giảm chất bảo quản trong sợi mì. Khi ăn nên ăn nhiều rau xanh, nên cho thêm thịt nạc để bổ sung thêm dinh dưỡng.