"Thử thách dọn rác" - hành động đẹp vì môi trường

ANTD.VN - Thay vì làm theo những trào lưu không lành mạnh và nguy hiểm như ăn vỏ túi bột giặt, bịt mắt lái xe hoặc nhảy ra khỏi phương tiện đang di chuyển, giới trẻ đang hưởng ứng tích cực “Thử thách dọn rác” lan truyền mạnh trên mạng xã hội và truyền đi cảm hứng vì thế giới sạch đẹp hơn.

"Thử thách dọn rác" - hành động đẹp vì môi trường ảnh 1

Những bức ảnh “biết nói” của chàng trai Byron Roman người Mỹ đăng hôm 5-3-2019 đã thổi bùng trào lưu dọn rác vì môi trường trên toàn cầu

Từ đầu tháng 3-2019, ngập tràn trên mạng xã hội là hình ảnh mọi người từ khắp nơi trên thế giới đua nhau thu nhặt rác từ các bãi biển, đường sá, công viên hay bất cứ nơi đâu. Hình ảnh được chia sẻ giống nhau ở mô tip: hiện trường trước và sau khi rác được dọn dẹp sạch sẽ. Nhưng “Thử thách dọn rác” này bắt nguồn từ đâu?

Một sự phấn khích “không hề nhẹ”

Tất cả bắt đầu từ một chàng trai người Arizona, Mỹ tên Byron Roman. Anh đã chia sẻ trên trang Facebook của mình một bộ ảnh cùng với lời kêu gọi thanh thiếu niên tham gia “Thử thách dọn rác”. “Đây là một thử thách mới dành cho tất cả những thanh thiếu niên buồn chán. Hãy chụp ảnh một khu vực cần dọn sạch, sau đó đăng bức ảnh sau bạn đã làm gì với nó”. Kể từ khi Byron Roman tải lên lời kêu gọi hành động này vào ngày 5-3, bài đăng của anh đã nhận được hơn 100.000 lượt thích và 332.000 lượt chia sẻ. Ấn tượng hơn, “Thử thách dọn rác” đã trở thành trào lưu toàn cầu.

Thực ra, chiến dịch dọn rác (TrashTag) bắt đầu vào năm 2015, khi UCO, một công ty chuyên về thiết bị ngoài trời, đưa ra một dự án nhằm khuyến khích mọi người làm sạch môi trường xung quanh họ và bài đăng của Roman đã thổi hồn cho chiến dịch này. “Tôi chỉ muốn mọi người biết đến một thông điệp tích cực. Thông điệp đã được cộng hưởng với nhiều người trên khắp thế giới, vì vậy tôi đoán rằng tôi đã truyền cảm hứng không chỉ cho bạn bè trên phương tiện truyền thông xã hội của mình”, Roman trả lời trên truyền hình Weather Channel.

Chắc chắn có một sự phấn khích chung quanh hành động đẹp này. Bỏ qua những xu hướng internet thu hút cộng đồng trẻ rộ lên một thời gian rồi nhanh chóng vụt tắt như ăn vỏ bột giặt, ném phô mai vào trẻ em và nhiều thứ tồi tệ hơn thế, thế giới hưởng ứng mạnh với những hành động vì cộng đồng như nhặt rác bảo vệ môi trường. 

“Cuối cùng, tôi cũng thấy một xu hướng internet đáng để theo đuổi”, Tessa Shabram ở Portland, bang Oregan, Mỹ chia sẻ với KGW sau khi cô và bạn trai đã dành một tiếng dọn rác dưới một cây cầu. “Ở đây cứ sau khi mưa xuống, rác thải trôi hết xuống sông. Dù việc làm nhỏ bé nhưng có ích. Tôi hy vọng điều này sẽ truyền cảm hứng cho mọi người để làm sạch cộng đồng nơi họ sống và nói không với xả rác”. 

Không chỉ ở Mỹ, mọi người trên khắp thế giới hiện đang tình nguyện tham gia “Thử thách dọn rác”. Ở Junagadh, Ấn Độ, một nhóm đã dọn sạch nhựa và rác, đổ đầy 10 túi rác. Ở Saint Petersburg, Nga, người dùng Instagram đã đăng hình ảnh về nỗ lực dọn dẹp của họ dưới góc nhìn của một con ngựa. Hay một thanh niên ở Nepal hào hứng khoe 10 túi rác đã nhặt đầy.

Hy vọng không là trào lưu nhất thời

Mỗi quốc gia lại gặp vấn đề riêng về rác thải. Nếu các quốc gia đang phát triển gặp trở ngại lớn nhất là hệ thống thu gom, xử lý rác còn yếu kém thì ở các nước phát triển, rắc rối nổi lên là xử lý rác thải nhựa. Lý tưởng nhất là tái chế nhưng những thứ không thể tái chế được một cách hiệu quả và tiết kiệm thì được họ chuyển đến các bãi chôn lấp hoặc xuất khẩu ra nước ngoài để đốt hoặc đổ bất hợp pháp.

“Đến năm 2050, các đại dương sẽ chứa nhiều nhựa hơn cá”, một cảnh báo được Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra vào năm 2016. “Chúng ta không thể đơn giản là tái chế hoặc làm sạch bờ biển để dứt ra khỏi cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Chúng ta phải di chuyển ngược dòng và giải quyết dòng thác lũ này tại nguồn của nó”, ông MacArthur, một chuyên gia môi trường viết trong một bài đăng trên blog của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2018. 

Đúng vậy, “đánh” vào đầu nguồn rác thải chính là tác động vào ý thức của con người. Hy vọng “Thử thách dọn rác” này không chỉ là “mốt” nhất thời, và việc nhặt rác sẽ trở thành thói quen cho các cộng đồng trên khắp thế giới. 

Tất nhiên, không phải cứ là thử thách trên truyền thông xã hội là không lành mạnh hay nhảm nhí. Đơn cử, “Thử thách xô đá” mùa hè năm 2014 với trào lưu đổ xô nước đá lên đầu đã gây quỹ được 115 triệu USD ủng hộ Hiệp hội ALS (hỗ trợ bệnh nhân Hội chứng bệnh thần kinh vận động). Nếu “Thử thách dọn rác” có thể tác động tới nhiều thanh thiếu niên chán nản và mọi người trên toàn thế giới, kết quả mang lại đối với môi trường sẽ là vô giá.