Hành trình xuyên Việt "săn" ảnh rác để truyền cảm hứng bảo vệ môi trường

ANTD.VN - Trải nghiệm rong ruổi 39 tỉnh thành trong 43 ngày của nhiếp ảnh gia Lekima Hùng (Nguyễn Việt Hùng) thu hút công chúng qua 3000 tấm ảnh về rác nhựa ở ven biển Việt Nam. Hành trình “săn rác” này đã truyền đi một thông điệp tới cộng đồng về yêu thương và bảo vệ môi trường.

Chuyến độc hành 7000 cây số

Rác thải nhựa từ lâu đã trở thành mối nguy hại của nhân loại nhưng không phải ai cũng biết. Ví dụ như hạt vi nhựa (microbeads) có trong kem đánh răng, mỹ phẩm nguy hiểm cho sinh vật dưới nước và môi trường vì nó không tan.

Nhiều người vẫn tái sử dụng nhựa một lần mà không biết nó “âm thầm” gây hại cho sức khỏe con người và cả với môi trường khi thải ra.

“Tôi không muốn sẽ kêu gọi bằng lý thuyết giáo điều nữa. Điều tôi muốn làm đó là thông qua những bức ảnh thì cộng đồng mới cảm nhận được thực tế và có cảm xúc, động lực để thay đổi nhận thức”, anh Hùng chia sẻ.

Biển Quất Lâm (Nam Định)  (Ảnh: Lekima Hùng)

Chính vì biết được mối nguy hại của rác thải nhựa cùng với niềm đam mê “săn ảnh” nên nhiếp ảnh gia Lekima Hùng lên đường với hành trình mang tên “Save our seas” – Hãy cứu lấy biển, để ghi lại và truyền tải những hình ảnh chân thực nhất về tình trạng rác thải nhựa ở nơi đây.

Chuyến đi bắt đầu từ tháng 8/2018, chủ đề tập trung vào vấn đề rác thải nhựa ở ven bờ biển của 28 tỉnh giáp biển. Trước đó, anh đã giành ra 1 tháng để tìm hiểu trước về vấn đề rác thải nhựa và xử lý rác thải nhựa ở Việt Nam.

Trong tháng 8 và tháng 9: anh từ Hà Nội tới Ninh Bình và từ đó bám theo đường bờ biển vào đất mũi Cà Mau. Sau đó, anh lại bám dọc biển tới Hà Tiên (Kiên Giang), giáp biên giới Campuchia rồi quay lại TP HCM rồi gửi xe, đi máy bay trở ra Hà Nội.

Tháng 12/2018, anh đi tiếp từ Hà Nội xuống Nam Định và dọc biển của 3 tỉnh thành còn lại là Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh. 

Lekima Hùng và "bạn đồng hành" (xe máy) di chuyển qua sông Mã (Ảnh: Lekima Hùng)

Trong suốt một tháng rưỡi này, mỗi ngày làm việc của anh bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 20 giờ tối và đi quãng đường trung bình 200km, dừng lại rất nhiều điểm để chụp ảnh. Nhiều hôm quá mệt, về nơi nghỉ anh chỉ kịp cắm sạc pin cho các thiết bị mang theo và để nguyên bộ đồ lên giường nằm ngủ. 

Mỗi nơi anh đi qua đều để lại cho anh những cảm nhận khác nhau nhưng có một thứ chung nhất đó chính là tiếc nuối, thậm chí đau xót. Trước sự tàn phá của rác thải, những bãi biển trải dài cát vàng mà anh từng đến trước đây thì bây giờ đã là trận địa của rác.

“Có những bãi biến khiến tôi không tin vào mắt mình bởi độ dày và mùi thối của rác. Âm thanh mà tôi nhớ nhất sau hành trình dài cạnh biển lại ko phải là tiếng sóng biển mà là tiếng ruồi bay mỗi khi mình qua các bãi rác. Đặc biệt khi họ đốt rác”, anh Hùng chia sẻ.

Những đêm muộn đi qua các con đường hoang vắng không đèn, không người, rình rập những mối hiểm nguy. Đó là những lần gặp nguy hiểm với các đối tượng đổ trộm rác thải dọa đập máy ảnh…

Thành công hơn mong đợi

Thành quả là 3000 tấm ảnh của chuyến hành trình 7000 cây số sau khi được Lekima Hùng chia sẻ ra với công chúng đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ. Hơn 4 triệu lượt xem, hàng ngàn bình luận cùng hàng chục nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội về album ảnh.

Trước dịp Tết Nguyên đán 2019, nhân dân Bình Thuận và một số tỉnh thành khác đã gửi cho anh Hùng những bức ảnh về một bãi biển được dọn sạch rác. Nhiều bạn trẻ xây dựng chương trình “Kể từ hôm nay” với nội dung mỗi người sẽ cùng hạn chế sử dụng đồ nhựa bắt đầu từ ngày hôm nay. Thậm chí bạn bè của anh còn đùa rằng bây giờ đi đổ rác cũng nhớ tới anh.

“Không thể đánh giá được hết mức độ hiệu quả từ việc làm này của tôi như thế nào. Nhưng việc các bãi biển được dọn dẹp và được truyền thông lan tỏa đã là sự thành công hơn so với dự kiến ban đầu của tôi”, anh Hùng khiêm tốn chia sẻ.

Các bạn nhỏ ở TP.HCM tham gia dọn rác trên kênh (Ảnh: Hoàng Hoa Thám)

Thời gian gần đây, phong trào dọn rác được thực hiện ở rất nhiều địa phương trong cả nước. Các bạn trẻ cùng nhau chụp ảnh trước và sau địa điểm được dọn sạch rác tạo nên những bức ảnh đẹp, lan tỏa phong trào ý nghĩa trên diện rộng.

Để phong trào dọn rác không mang tính “nhất thời” thì việc quan trọng cần thực hiện trước nhất là giáo dục. Giáo dục là cách xây dựng từ gốc vững chắc và lâu bền nhất.

“Chỉ khi nào ai cũng biết cho đi, biết trao tặng những gì tốt nhất mà mình có cho thiên nhiên, sự cân bằng mới thực sự được tái lập. Và khi đó chúng ta mới sẽ có thể nhận hạnh phúc từ thiên nhiên mãi mãi”, người hùng “săn rác” chia sẻ.

Dự kiến trong năm 2019, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng sẽ thực hiện một chuyến hành trình “săn rác” mới trên các đảo, lần này anh còn tìm hiểu thêm về khâu xử lý rác thải.