Thủ phạm gây ung thư da

ANTĐ - Theo thống kê của các nhà khoa học Mỹ, trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ người mắc ung thư da tăng 3,5% mỗi năm. Trong đó, có những người luôn sử dụng kem chống nắng nhưng vẫn mắc ung thư. Vậy đâu là nguyên nhân? Dưới đây là ba yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư da phổ biến nhất: 

Biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu dẫn đến sự tích tụ hơi nước trong khí quyển. Hơi nước tiếp xúc với các nguyên tố tồn tại tự nhiên trong không khí sản sinh khí clo tạo ra những phản ứng hóa học gây ung thư. Theo các nhà khoa học, một nguyên tử clo có thể phá hủy hơn 100.000 phân tử ozone. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard cũng phát hiện ra rằng sự nóng lên toàn cầu làm mỏng tầng ozone, dẫn đến tia cực tím (UV) xuyên qua trái đất mạnh hơn và gây tổn hại đến da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đây không chỉ là nguyên nhân làm gia tăng tỉ lệ người bị ung thư da mà có thể gây bệnh đục thủy tinh thể. 

Cách hiệu quả nhất để ngăn chặn tác hại tia UV đến da là mặc áo tay dài, quần dài, hoặc tốt nhất là quần áo chống nắng. Đừng quên đeo kính để bảo vệ mắt khỏi tác hại của tia cực tím.

Đèn văn phòng 

Một nghiên cứu được tiến hành trên tế bào da người phát hiện ra rằng các tế bào phản ứng với bức xạ phát ra từ bóng đèn huỳnh quang compact (CFL) giống như phản ứng dưới ánh sáng mặt trời, làm tăng sản xuất gốc tự do gây ung thư da. Tuy nhiên, bức xạ này không gây hại cho da khi sử dụng bóng đèn sợi đốt thông thường hoặc đèn huỳnh quang ống.

Cách phòng tránh bức xạ từ bóng đèn huỳnh quang là không nên ngồi quá gần đèn. Sử dụng ống chụp đèn thủy tinh để ngăn cản bức xạ và cuối cùng nên tận dụng ánh sáng tự nhiên càng nhiều càng tốt.

Kem chống nắng 

Kem chống nắng có chứa  vitamin A, hay retinol giúp bảo vệ da, làm chậm quá trình lão hóa nhưng một sự thật ngạc nhiên là chính thành phần này lại khiến bạn có nguy cơ ung thư da cao. Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy vitamin A khi bôi lên da dưới tác động của ánh sáng mặt trời làm tăng sự phát triển của các khối u và gây tổn thương da. Ngoài ra, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã công bố một phân tích nghiên cứu về vitamin A và có kết luận tương tự. 

Để tránh điều này, trước khi mua kem chống nắng, bạn nên tìm hiểu thành phần sản phẩm trên nhãn mác và lựa chọn cho các sản phẩm không chứa vitamin A.