Thủ khoa… chân đất với giấc mơ cứu người

ANTĐ - Trên đời này chẳng một bậc sinh thành nào muốn sinh con ra phải chịu cảnh nghèo đói. Vậy nên dù có bần hàn đến đâu, dù phải dốc đến chút sức lực cuối cùng họ cũng sẵn sàng bán mặt cho đất bán lưng cho trời kiếm tiền cho con ăn học no đủ. Em Nguyễn Văn Hinh, ở thôn Mĩ Bi, Yên Thái, Yên Định, Thanh Hóa là một người sống trong cảnh nghèo như vậy. Nhưng với em, cái nghèo của gia đình, nỗi thống khổ của cha mẹ lại là động lực để em bứt phá. 29 điểm, Thủ khoa Học viện Quân Y hẳn là trái ngọt dành cho em sau nhiều năm đèn sách, là sự trả ơn cho cha mẹ đã cả đời sống trong cảnh nợ nần để chắt chiu cho con ăn học…

Bảng thành tích học tập của Hinh

Thủ khoa … chân đất, không học thêm

Thôn Mĩ Bi là một vùng quê nghèo thanh bình. Tin vui đến với cậu học trò nghèo đã trở thành tin vui của cả cái xóm nhỏ nơi Hinh sinh sống. Những người dân đã đặt tên cho cậu học trò này cái tên rất giản dị: Thủ khoa… chân đất. Có lẽ cái biệt danh ấy ẩn ý về một cậu học trò nghèo hiếu học, chân đất mà vẫn làm nên mọi chuyện, vẫn đạt bảng vàng…

Thủ khoa “chân đất” Nguyễn Văn Hinh vẫn còn giữ dáng vẻ thư sinh của một cậu bé mới lớn, nụ cười hiền lành, thật thà luôn thường trực trên môi. Khi được nhiều người hỏi thăm về thành tích vừa đạt được, Nguyễn Văn Hinh ngượng ngùng kể lại rằng: “Khi thi xong từng môn, em không dám so kết quả đáp án. Cứ kệ như vậy. Vì nếu biết kết quả, đúng thì không sao, nhưng nếu sai thì sẽ làm ảnh hưởng tới những môn thi sau. Khi thi tất cả các môn, em mới thử xem đáp án. Xem xong thì em thấy mình làm tốt môn Lý và Hóa”. Và việc thử so đáp án không chệch với điểm thi của Hinh là mấy… 

“Từ khi đi học, đi ôn tập, rồi tới lúc đi thi, em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành thủ khoa. Vì đất nước còn rất nhiều người tài giỏi, nhất là trường mà em chọn thi cũng rất nhiều nhân tài tham gia”, Hinh thổ lộ. Trò chuyện với Hinh mới hay, từ khi biết tin đỗ đạt Thủ khoa cậu đâm ra bận rộn bởi người dân trong xóm đến chúc mừng lại nhờ Hinh đến nhà truyền đạt lại kinh nghiệm cho con em mình. 

Chia sẻ về kinh nghiệm học tập, Hinh bảo em cũng có những nguyên tắc nhất định: “Đó là cố gắng lúc học phải hiểu thật sâu. Nếu có những điều không hiểu, thì nên chủ động hỏi lại bạn bè, thầy cô giáo. Cá nhân em, khi không rõ một bài tập nào đó, em thường nhờ tới những thầy cô giáo của mình. Như vậy sẽ nắm chắc được kiến thức. Ngoài ra, mỗi ngày sau khi học chính khóa ở trường, cá nhân em phải học thêm ở nhà khoảng 5 tiếng”... 

Hỏi không học thêm, tham gia học lò luyện có khiến em lo lắng không, sau chút thoáng buồn Hinh đáp rằng: “Nhà em nghèo lắm, lấy đâu ra tiền để học thêm nên em tự học ở nhà là chính, nhờ bạn bè, thầy cô chỉ dẫn những vấn đề khó sẽ giúp tiết kiệm được chi phí học thêm ở các lò, các trung tâm…”. Ngoài giờ tự học, Hinh lại lao vào phụ giúp cha mẹ đủ mọi việc từ đồng áng, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa…. Bà Lê Thị Hường - mẹ của Hinh chia sẻ trong ngâm ngùi: “Tôi đã khóc khi biết tin con mình đã trở thành thủ khoa. Gia đình cũng tạo điều kiện để con đi thi đại học, nhưng Hinh vừa học vừa giúp việc gia đình mà kết quả lại tốt như thế, thật sự tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc”. 

Thủ khoa Nguyễn Văn Hinh (hàng trên đứng giữa) hạnh phúc bên người thân

Ước mơ làm bác sĩ cứu người

“Từ bé cho đến bây giờ em luôn ước mơ trở thành một bác sĩ. Để thực hiện ước mơ ấy em đã cố gắng học tập để thi đỗ đại học; sau khi học đại học em sẽ không ngừng trau dồi chuyên môn hơn nữa để sau này hành nghề có thể cứu được thật nhiều bệnh nhân”. Quả thật với ước mơ cháy bỏng đó, 12 năm dưới mái nhà trường, Nguyễn Văn Hinh luôn rèn luyện bản thân một cách nghiêm khắc, kết quả em cũng từng nhiều lần đạt giải Nhất, giải Nhì trong các cuộc thi học sinh giỏi Toán của tỉnh Thanh Hóa. Quyết theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ của mình, Nguyễn Văn Hinh ham học trong thực tiễn đã đành, em còn tìm hiểu thông tin kiến thức về ngành Y mỗi khi có dịp được truy cập mạng Internet. 

Khi biết tin học sinh của mình đỗ thủ khoa của trường Học viện Quân Y với số điểm cao, cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1 trường THPT Yên Định II, Yên Định, Thanh Hóa, cho biết: “Trong suốt thời gian đi học Nguyễn Văn Hinh là học sinh có những thành tích nổi bật. Các thầy cô dạy Hinh đều đã dự đoán và đặt ra niềm tin rằng Nguyễn Văn Hinh sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi đại học 2014. Việc Nguyễn Văn Hinh đạt thủ khoa cũng không phải quá bất ngờ cho chúng tôi. Bởi trước đó, chúng tôi cũng đã nhiều lần tổ chức thi thử cho học sinh, Hinh đều có kết quả rất cao”. 

Ước mơ của một cậu học sinh nông thôn, mong muốn trở thành bác sĩ cứu người thật giản dị. Gia đình của Nguyễn Văn Hinh từ lâu cũng đã rất ủng hộ ước mơ của con trai mình. Việc lựa chọn trường thi cho Hinh đã được gia đình của em tán thành từ rất lâu. Mẹ của Hinh còn nói rằng: “Khi thấy con mình có ước mơ làm bác sĩ, chúng tôi ủng hộ cháu ngay. Và trong suốt quá trình đó, chúng tôi luôn theo sát cháu để bảo ban. Mong rằng mai sau cháu ra nghề sẽ có ích cho xã hội khi trở thành một bác sĩ giỏi”.

Nhà nghèo, nợ nần… nhưng quyết nuôi con học tập

Gia đình em Nguyễn Văn Hinh ở diện cận nghèo của thôn với công việc chính là làm ruộng, buôn bán nhỏ lẻ để kiếm thêm thu nhập. Cha mẹ đã nhiều lần phải đi vay để có tiền cho Hinh ăn học. Và thành quả của Hinh đã không phụ công cha mẹ em là những người đặt viên gạch đầu tiên cho con đường học tập để hiện thực hóa ước mơ của Hinh.

Nhà khó khăn nghèo nàn là vậy, nhưng ông Nguyễn Văn Huệ, bố của Nguyễn Văn Hinh không chạy đua theo việc kiếm tiền mà buông lơi việc giáo dục con cái. Từ những ngày còn bé, bố mẹ Hinh vẫn theo sát việc học của con mình. Khi con phải đi học xa, ông Huệ bất kể sớm tối, nắng mưa vẫn có mặt để đón những đứa con thân yêu của mình. Những khi xa nhà, ông Huệ thường liên lạc về với gia đình chủ yếu để biết tình hình học tập của Nguyễn Văn Hinh. Công sức lao động của bố mẹ Nguyễn Văn Hinh cũng đã có “gia tài” là 6 sào ruộng, 3 con bò, và vài đàn gà… đó là những công cụ kiếm sống và lo cho sự phát triển của 2 đứa con trong gia đình. Ngoài Nguyễn Văn Hinh thì cô chị gái Nguyễn Thị Hoa cũng học rất giỏi và đang là sinh viên khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng. 1 đứa con học đại học đã vất vả khi gia đình thuần nông này luôn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cũng chỉ đủ ăn. Lo cho chị gái của Hinh học đại học trên Hà Nội, mẹ Hinh còn phải đi bán cá ngoài chợ để kiếm thêm thu nhập. Nay đến việc lo tiếp cho Hinh ăn học quả là quá sức với một gia đình thuần nông nhưng không vì thế mà cha mẹ em thôi quyết tâm để 2 con ăn học đầy đủ và đàng hoàng. 

Tài sản của cha mẹ Nguyễn Văn Hinh về vật chất là không có gì đáng kể, nhưng về tinh thần thì chắc chắn họ đã trở thành “tỷ phú” khi 2 đứa con của mình đều học hành tấn tới. Với riêng cá nhân Nguyễn Văn Hinh, từ lâu em đã đặt ra cho mình mục tiêu phấn đấu cho tương lai, phải có đam mê mới có hy vọng thành công. Chúc tân Thủ khoa “chân đất” Nguyễn Văn Hinh sẽ không ngừng nỗ lực học tập để sớm thực hiện ước mơ mà em mong muốn, là niềm tự hào với cha mẹ và gia đình.