Thứ gì cũng biến thành thực phẩm

ANTĐ - Theo dự đoán của các chuyên gia dân số, Trái đất sẽ nhanh chóng vượt ngưỡng 7 tỷ người và đạt đến con số 9 tỷ trong tương lai không xa. Cách gì để nuôi sống dân số toàn cầu đang ngày một tăng mạnh trong khi các nguồn lương thực, tài nguyên thì có hạn và đang dần cạn kiệt? Đã có những tiến bộ trong các nỗ lực tìm kiếm giải pháp cung cấp thực phẩm của tương lai.

Ở nhiều quốc gia châu Á đã phát triển loại hình nuôi trồng tảo, rong biển

“Thịt trong ống nghiệm” 

Với hàng tỷ miệng ăn, sản xuất thực phẩm theo phương pháp truyền thống khó lòng đáp ứng được nhu cầu của nhân loại. Vì vậy, các nhà khoa học đang nghiên cứu những phương pháp mới, có thể là “thịt trong ống nghiệm”. Để chế tạo thành công thịt nhân tạo, người ta cho gieo trồng những giống cỏ đã được biến đổi gene sao cho chúng chứa đầy đủ những protein, những chất khoáng vi lượng và vitamin. Sau đó, tại nhà máy, cỏ được nghiền nát, ngâm, ủ với một số chất hóa học có tác dụng tiêu hoá chất xenlulô nhằm tạo thành một thứ “cháo lỏng” đầy chất dinh dưỡng. Tiếp theo, người ta lấy tế bào cơ (myocit) của bò hoặc gà, lợn rồi đem cấy vào loại cháo này cùng một số chất kích thích để chúng tự do phát triển và  nhân lên thành một sinh khối gồm hàng trăm nghìn tế bào mới. Sản phẩm cuối là những tảng thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thịt cừu tươi nguyên, giống  thịt tự nhiên cả về hình thức lẫn đặc tính, riêng về chất lượng thì có phần cao hơn, vì không lẫn mỡ, gân, bạc nhạc.

Gạo nhân tạo

Gạo nhân tạo là thực phẩm chế biến, không phải là loại ngũ cốc nguyên hạt. Thành phần gạo nhân tạo bao gồm một hay nhiều loại tinh bột, chủ yếu khai thác từ các dòng cây lương thực tại chỗ, được bổ sung các chất xơ, chất khoáng, các protein, vitamin và caroten, cùng chất tạo mùi và một tỷ lệ cần thiết chất kết dính thực phẩm. Sau đó, bột được trộn đều với các chất bổ sung, được làm dẻo bằng một tỷ lệ nước và tạo hạt trong máy ép trục lăn. “Hạt gạo” sau đó được đem hấp chín khoảng 30 phút trong khoảng nhiệt 70 - 105 độ C rồi sấy khô và đóng gói đem ra thị trường. Ưu điểm của gạo nhân tạo là với các công thức pha chế khác nhau, gạo nhân tạo phục vụ được nhiều thành phần người tiêu dùng, từ các bữa ăn thông thường, chế độ ăn kiêng, tiệc tùng, hay dùng cho những người cần được điều chỉnh thực phẩm để trị bệnh.

Giá trị dinh dưỡng của côn trùng không thua kém thịt động vật

Côn trùng

Tại Anh, người ta đã ước tính nhu cầu về thực phẩm sẽ tăng gấp đôi trong 5 - 7 năm tới. Lúc đó thịt sẽ trở nên xa xỉ và không bao giờ là đủ cho nhu cầu của con người. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, chăn nuôi và chế biến côn trùng trong tương lai sẽ trở thành một mắt xích trong dây chuyền thực phẩm của loài người, không chỉ để bù đắp cho sự thiếu hụt thực phẩm mà còn vì côn trùng là một món ăn bổ dưỡng và ngon. Theo một nghiên cứu, châu chấu cung cấp khoảng 20% protein và 6% chất béo, trong khi đó, thịt bò cũng chỉ chứa 24% protein và 18% chất béo. Dế cũng được cho là loại thực phẩm giàu calcium và sắt; ấu trùng tằm có thể cung cấp đồng và vitamin B2 cần thiết cho cả ngày hoạt động của cơ thể. Giới khoa học cũng dự đoán trong tương lai, nhiều côn trùng sẽ được xay thành bột để từ đó chế biến thành các món ăn quen thuộc hơn như bánh mỳ, như vậy những ai có sợ côn trùng cũng có thể ăn được.  

Rong biển 

Theo các nhà nghiên cứu, với 1.000 loại trên khắp các đại dương, rong biển cũng là một giải pháp cho vấn đề khan hiếm lương thực trên thế giới. Những chuyên gia trong ngành công nghệ thực phẩm dự đoán rong tự nuôi trồng có thể là loại thực phẩm có tính bền vững trong tương lai. Ở nhiều quốc gia châu Á đã phát triển loại hình nuôi trồng tảo, rong biển và đạt được lợi nhuận ban đầu cũng như những lợi ích cho sức khỏe, môi trường. Đặc điểm của các loại rong biển là chúng phát triển rất nhanh, có thể giúp thay thế muối trong ngành chế biến thực phẩm, nhờ đó, giảm thiểu nguy cơ của bệnh cao huyết áp, đột quỵ. Đó là một nguồn tài nguyên lớn, tương đương với khoáng sản, đất đai mà trong tương lai con người cần nhận thức rõ và sử dụng đúng cách để nâng cao chất lượng cuộc sống.