Thụ động sang chủ động

ANTĐ - Tổng quan nền kinh tế quý I năm nay có thể tóm tắt như sau: Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng tăng trưởng chậm hơn nhiều. Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong nhiều năm qua và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Khó khăn cho tăng trưởng kinh tế cũng là hệ lụy tất yếu khi thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Đây là hai mặt của một vấn đề, phải tìm cách giải quyết để phát triển.

Quý I kết thúc với những con số thống kê khá khả quan cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Song, sản xuất công nghiệp chỉ đạt mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua. Thế mạnh sản xuất nông nghiệp cũng tăng rất chậm. Dấu hiệu đình trệ của nền kinh tế đã bộc lộ khá rõ với chỉ số tồn kho đang ở mức báo động. Hàng tồn kho chồng chất cao nhất là phân bón, sắt thép, xi măng công nghiệp chế biến, chế tạo… Đây là một trong những nguyên nhân khiến hàng vạn doanh nghiệp bị loại khỏi thị trường.

Điều đáng lo ngại là chỉ số hàng tồn liên tục tăng cao trong nhiều tháng qua chứng tỏ thị trường hàng hóa đang tắc nghẽn đầu ra, hàng làm ra không bán được, sức mua suy giảm đã tác động xấu đến hệ thống sản xuất và phân phối sản phẩm. Bên cạnh chi phí đầu vào tăng cao, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào vốn. Phần lớn đồng vốn của doanh nghiệp trông cậy vào nguồn vốn vay ngân hàng, trong khi lãi suất ngân hàng vẫn quá cao, quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Thực tế lãi suất có giảm 1% cũng chẳng thấm tháp gì, bởi vốn vay chiếm tỷ lệ gấp 2 đến 4 lần vốn điều lệ doanh nghiệp.

Theo nhận định của một số chuyên gia, với một nền sản xuất bình thường, chỉ số hàng tồn kho tăng khoảng 12-15% so với cùng kỳ là có thể chấp nhận được. Trong thời điểm này chỉ số tồn kho tăng vọt tới 34,9% là điều không bình thường. Đặc biệt tình hình “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp khoảng 2-3% cho tăng trưởng kinh tế, hầu như chưa có dấu hiệu được cải thiện. Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm phải giảm hàng tồn kho, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy thị trường trong nước. Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều nỗ lực điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất linh hoạt, phù hợp với yêu cầu kiềm chế lạm phát. Câu hỏi được đặt ra là, dấu hiệu đình trệ của nền kinh tế đã rõ rệt, vậy có tái diễn tình trạng vì “nóng ruột” cho tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ sẽ ít chú trọng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát? Bởi GDP quý I năm nay chỉ đạt 4%, trong khi Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu GDP quý I tăng từ 5-6%, để tiến tới cái đích GDP cả năm 2012 tăng khoảng 6%. Người phát ngôn của Chính phủ đưa ra một cam kết chắc chắn rằng, trong những tháng còn lại, công tác điều hành sẽ chủ động hơn, không để “giật cục”. Tất cả những biện pháp kiềm chế lạm phát hiện nay, không chỉ giải quyết trước mắt mà để giải quyết lâu dài, khắc phục “căn bệnh” lạm phát dai dẳng trong nhiều năm qua.

Dự báo từ nay đến cuối năm, kinh tế thế giới và trong nước còn diễn biến khó lường. Chính phủ vẫn kiên định ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn. Điều quan trọng hơn là đã chuyển từ thụ động ứng phó với lạm phát sang chủ động kiềm chế lạm phát.