Dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo, hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải cùng đông đảo các nhà nghiên cứu lịch sử, quy hoạch, kiến trúc đến từ các Hội nghề nghiệp như Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa, Hội Kiến trúc sư, Hội Quy hoạch Đô thị, Hiệp hội Vận tải…
Phương án 3, cầu lệch về phía Nam
Sáu phương án chọn một
Khẳng định việc đầu tư xây dựng nút giao thông Ô Chợ Dừa là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về giao thông và cải tạo chỉnh trang đô thị, thực hiện đúng Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng trên cơ sở đáp ứng 5 tiêu chí: Phù hợp với Quy hoạch và chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt; Bảo tồn một cách tốt nhất di tích Đàn Xã Tắc; Đảm bảo phát triển giao thông đô thị khu vực; Hạn chế ảnh hưởng đến điều kiện sống của dân cư trong khu vực; Cải thiện không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị.
Bám sát 5 yêu cầu mà UBND thành phố đã đặt ra, trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp của dư luận thời gian vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra 6 phương án để trưng cầu ý kiến của các nhà quản lý cũng như nghiên cứu lịch sử, bảo tồn…
Phương án 1, cầu vượt trực thông theo hướng đường vành đai 1, chia làm 2 nhánh khi đi qua đảo giao thông, chiều dài cầu khoảng 750m, bao gồm cả đường dẫn.
Phương án 2, cầu vượt trực thông hướng đường vành đai 1, đi lệch về phía Bắc (phía đường Tôn Đức Thắng), mép cầu chờm đều lên đảo lưu dấu Đàn Xã Tắc. Cả hai phương án kể trên đều được đánh giá là phù hợp với quy hoạch, đảm bảo yêu cầu về tổ chức giao thông, có không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị đẹp. Tuy nhiên một phần cầu vẫn làm ảnh hưởng không gian phía trên của khu vực khoanh vùng di tích.
Với phương án 3, cầu vượt trực thông theo hướng đường vành đai 1, đi lệch về phía Nam (phía đường Nguyễn Lương Bằng).
Phương án 4, hay còn gọi là phương án 3A, được phát triển trên cơ sở của phương án 3, có thiết kế bổ sung cầu nhánh đi một chiều từ Khâm Thiên qua nút Ô Chợ Dừa, nhập vào cầu chính trên đường vành đai 1, nhằm thu hút lượng xe đi về phía Tây qua nút. Cả hai phương án này đều ưu tiên bảo tồn di tích một cách tối đa, không ảnh hưởng phạm vi khoanh vùng của di chỉ Đàn Xã Tắc, cải thiện được không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị. Do cầu cong, vấn đề tổ chức giao thông tuy có khó khăn, nhưng vẫn có những giải pháp khắc phục.
Phương án 5 là xây dựng hầm chui, đi ngầm bên dưới khu vực bảo tồn Đàn Xã Tắc. Đây cũng là phương án được đánh giá phù hợp quy hoạch, lại không ảnh hưởng đến di chỉ do chiều sâu khảo cổ khoảng 6m. Tuy nhiên, để thực hiện phương án này vô cùng khó khăn và tốn kém.
Phương án 6, cầu vượt theo hướng đường Tôn Đức Thắng- Nguyễn Lương Bằng. Quá trình triển khai phải mở rộng đường, việc triển khai mất nhiều thời gian và kinh phí, ảnh hưởng đến dân sinh.
Phương án 4, cầu đi lệch về phía Nam, xây dựng thêm nhánh rẽ Khâm Thiên
Giới khoa học, lịch sử đồng thuận
Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam khẳng định, với những gì phát lộ qua cuộc khai quật vào năm 2006 thì Đàn Xã Tắc chính là trung tâm của Đàn tế thời kỳ quốc gia quân chủ. Vì thế, việc bảo tồn là đương nhiên. Lựa chọn phương án khả thi cho nút giao thông Ô Chợ Dừa, Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng, phương án 3 và 4 đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Đặc biệt, phương án 4 hay hơn, bởi mang tính chất thuần túy bảo tồn di sản bên dưới lòng đất, không đụng chạm vào vùng lõi di sản. GS. Phan Huy Lê cũng lưu ý, trong quá trình thi công móng trụ cầu, dù là ở phía vùng đệm cũng cần tiến hành khai quật, nếu phát hiện hiện vật phải có các bước xây dựng hồ sơ, đưa hiện vật về bảo tàng. Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng cho biết thêm, ông thích cả phương án 5 - hầm giao thông, tuy nhiên trong quá trình thi công không được đào lộ thiên, vì như thế sẽ phá tan di chỉ khảo cổ.
Cũng đồng quan điểm với GS. Phan Huy Lê, GSTS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia bày tỏ quan điểm, ông thấy phương án 3 phù hợp hơn cả, phương án 4 - hình chữ Y cũng có những giải pháp hợp lý song, còn hơi phân vân vì có hai nhánh, dù không nằm trong vùng lõi di sản, nhưng lại phải xây thêm cột trụ.
Tìm được sự đồng thuận cao, phương án thiết kế 3 và 4 cũng nhận được sự hưởng ứng của PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam. Ông Tín chia sẻ, được biết về 5 tiêu chí mà UBND tThành phố Hà Nội đã đưa ra đối với chủ đầu tư, đặc biệt là tiêu chí thứ 2: “Bảo tồn một cách tốt nhất di chỉ Đàn Xã Tắc” thì ông tin tưởng rằng, Hà Nội sẽ tìm ra một phương án tối ưu nhất để bảo vệ di sản. Viện trưởng Viện Khảo cổ học cũng đồng thuận với phương án thứ 4 mà Hội nghị đã đưa ra và cho rằng đây là phương án khả thi nhất.
Trong quá trình đóng góp ý kiến, phương án 3 và phương án 4 cũng nhận được sự đánh giá cao của các đại diện đến từ Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường, Hiệp hội Đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam… Các chuyên gia cũng lưu ý, cần phải có những phương án tôn tạo đảo giao thông, tìm giải pháp sao cho cầu (bị nắn cong trong phương án này) có được những nét mềm mại, uốn lượn…
Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc sau khi lắng nghe khá nhiều ý kiến của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực thì bày tỏ sự vui mừng, bởi ông từng nghĩ, câu chuyện “Tắc” ở Xã Đàn không thể tìm được lối thoát. Thế nhưng, trong Hội nghị này sự đồng thuận rất cao cho hai phương án 3 và 4. Hai phương án này đã tốt rồi, nhưng vẫn cần sự hoàn thiện hơn nữa. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh, để tránh tình trạng “chữa cháy”, chủ động hơn trong xây dựng, quy hoạch giao thông đô thị cần xây dựng Quy hoạch Khảo cổ học. Nguyên Kiến trúc sư Trưởng thành phố Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cũng ủng hộ phương án 3, nhưng cần lưu ý tổ chức giao thông sao cho tốt hơn. Cá nhân ông Đào Ngọc Nghiêm cũng đã có những đề xuất nhằm hoàn thiện phương án 3 gửi UBND thành phố Hà Nội tham khảo.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao nhằm hoàn thiện phương án thiết kế thống nhất và hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Sau khi có được phương án lựa chọn tốt, Ban Quản lý Dự án sẽ tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư khu vực Ô Chợ Dừa trước khi báo cáo xin ý kiến các bộ liên quan để có văn bản thỏa thuận.