Dựng lại vở “Người tù trao áo”:

Thông điệp về lòng yêu nước

ANTĐ -Xuất phát từ câu chuyện có thật trong lịch sử, người cán bộ cách mạng trung kiên Vũ Văn Hiếu, Bí thư Khu ủy khu mỏ đầu tiên ở Quảng Ninh, trước khi mất đã trao lại tấm áo duy nhất cho đồng chí Lê Duẩn - một bạn tù ở Côn Đảo, NSƯT Bùi Vũ Minh đã viết nên kịch bản “Người tù trao áo”. Từng dàn dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam vào năm 2012 nên khi bắt tay dựng lại cho Đoàn Kịch nói CAND, đạo diễn Lê Hùng đã đưa “Người tù trao áo” tiếp cận một góc nhìn nghệ thuật rất khác.
Thông điệp về lòng yêu nước ảnh 1

Cảnh trong vở diễn: Bí thư Khu ủy khu mỏ Quảng Ninh Vũ Văn Hiếu trao áo cho bạn tù Côn Đảo là đồng chí Lê Duẩn

Cảnh diễn đậm tính điện ảnh

Vở diễn “Người tù trao áo” của Đoàn Kịch nói CAND mở ra đẹp tựa những đoạn phim điện ảnh, từ bóng sáng chiếu cho nhân vật, dáng đứng diễn viên sao cho khi liên kết với nhau sẽ tạo nên những mảng khối đẹp mắt đến hiệu ứng nhạc Thánh ca làm lòng người như lắng lại, nhẹ nhàng và thanh thản.

  Trong nền sân khấu tối màu, sự xuất hiện của những mặt nạ trắng tượng trưng cho linh hồn của những người chiến sỹ cộng sản đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo lơ lửng trong không trung, vừa tạo cảm giác gai người, vừa tạo nỗi xót thương trước sự hy sinh lớn lao của những người cộng sản. 

Cảnh mở màn đậm màu sắc liêu trai với những bóng trắng xuất hiện dày đặc trên sân khấu. Họ lo lắng, bàn cách che chắn cho người thiếu nữ Võ Thị Sáu nơi pháp trường nhưng không thể. Âm nhạc ngân vang như điếu ca tiễn đưa nữ chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi. Linh hồn chị Sáu đã hòa cùng linh hồn của những chí sỹ yêu nước phiêu diêu và bất định trong khoảng không gian của nhà tù Côn Đảo.

Cảnh trí bày đặt trên sân khấu thể hiện sự cách biệt âm dương khi phía trên sân khấu là hình ảnh của những cây phi lao ở nghĩa trang Hàng Dương rì rào trong gió, còn phía dưới là những bục bệ được sơn một màu đen, màu của đất, màu của cõi âm xa cách. Một vở diễn đặt nặng yếu tố tâm linh như “Người tù trao áo” thì cách xử lý này được xem là hiệu quả, giúp người xem dễ hình dung được hiện thực của cuộc đấu tranh cách mạng lúc bấy giờ. 

Thông điệp cho lớp trẻ hôm nay Linh hồn chị Sáu (Anh hùng Võ Thị Sáu) đã gặp linh hồn Bí thư Khu ủy khu mỏ đầu tiên ở Quảng Ninh - Vũ Văn Hiếu. Cuộc trò chuyện giữa hai người tù đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo với các câu thoại giản dị nhưng đau xót: “Cháu mãi mãi không có tuổi 20 ư?”, “Ôi quê tôi Nam Định! Bao giờ mới được trở lại” và tiếng chị Sáu gọi mẹ nhưng bà không nghe thấy vì sự cách trở là những khoảng lặng của vở kịch.

 Linh hồn 2 người chiến sỹ yêu nước đã đưa câu chuyện của những năm đấu tranh cách mạng trở lại sân khấu trước sự đàn áp của thực dân Pháp tại khu mỏ, cuộc đấu tranh của những người tù chính trị với lính cai ngục. Một thời kỳ đấu tranh cách mạng sôi nổi, nhiệt huyết nhưng nhiều máu và nước mắt được tái hiện trên sân khấu bằng các gam màu cảm xúc khác nhau. 

Ở tác phẩm sân khấu chính luận này, ê kíp thực hiện đã khai thác nhiều chi tiết “đắt”, nhờ đó ý chí sắt đá của những người tù chính trị Côn Đảo được bộc lộ rõ nét. Các nhà cách mạng như Lê Hồng Phong, Vũ Văn Hiếu, Nguyễn Văn Cừ, Võ Thị Sáu, Lê Duẩn… đã xuất hiện trong vở kịch khi đang bị giam cầm và tù đày tại nơi địa ngục trần gian. Mỗi người đều có những nỗi niềm riêng nhưng với tình yêu Tổ quốc, họ đã gác mọi việc riêng, để cống hiến cho sự nghiệp chung.

Bí thư Khu ủy khu mỏ đầu tiên Quảng Ninh, Vũ Văn Hiếu dứt áo xa quê, để lại người bạn gái chung thủy chờ đợi cũng tạo nên sự xót xa trong trái tim người xem.Trước sự tra tấn dã man, đồng chí Vũ Văn Hiếu đã qua đời tại nhà tù Côn Đảo. Trước lúc ra đi, đồng chí đã trao lại tấm áo của mình cho đồng chí Lê Duẩn với niềm tin sắt son vào sự thành công của sự  nghiệp cách mạng và hy vọng sẽ giúp được những người đồng chí, đồng đội của mình vượt qua cửa ải tù đày.

 Vở diễn được xem như lời nhắc nhở thế hệ sinh ra sau chiến tranh, lớp trẻ hôm nay sẽ soi lại sự hy sinh của lớp thế hệ đi trước để dấn thân vì đất nước, vì nhân dân. Vở kịch công diễn vào hôm qua (15-4) tại rạp Hồng Hà và sẽ tham dự “Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc” năm 2015 tại Thanh Hóa.