Thói quen phức tạp

ANTĐ - Một kênh truyền hình của Anh tổ chức cuộc thi giải quyết tình huống với mức giải thưởng rất cao. 

Tình huống đặt ra là: Trên một chiếc khinh khí cầu được bơm hơi không đủ, có 3 nhà khoa học lớn - những người nắm giữ trong tay vận mệnh của toàn thế giới. Người thứ nhất là một chuyên gia về môi trường, những phát minh của ông có thể cứu được vô số người nhờ chặn đứng tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Người thứ hai là một chuyên gia về hạt nhân, người có khả năng ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, nhờ đó nhân loại tránh được nguy cơ diệt vong hiện hữu. Người thứ ba, một chuyên gia lương thực, có khả năng làm sống lại những “cánh đồng chết”, giúp nhân loại thoát được nguy cơ chết đói. Tuy nhiên, vì khinh khí cầu đã sắp rơi, bắt buộc phải hy sinh 1 người để cứu sống 2 người còn lại. Người tham gia chơi phải lựa chọn xem hy sinh người nào là hợp lý nhất.

Ngay lập tức, vô vàn đáp án được gửi về, mỗi người một ý, phân tích rất “thấu tình đạt lý” về việc nên hy sinh chuyên gia môi trường, hạt nhân hay lương thực, thậm chí có những bài dự thi còn phân tích cả ở tầm vĩ mô. Song kết quả cuối cùng, giải nhất thuộc về một cậu bé lớp 3. Đáp án của cậu bé là: “Hy sinh người nào béo nhất”. 

Con người ta thường như vậy, cứ giữ thói quen phức tạp hóa mọi vấn đề, trong khi, có nhiều thứ trong cuộc sống này lại vô cùng đơn giản.