Thoát khỏi vòng khó khăn

ANTĐ - Đánh giá tình hình năm 2012, Chính phủ cho rằng nền kinh tế sẽ sớm khởi sắc khi GDP quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước, lạm phát được kiềm chế. Tuy nhiên, theo một ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và một số chuyên gia kinh tế, GDP quý sau cao hơn quý trước là theo quy luật. Số liệu tăng trưởng kinh tế của các quý trong 4 năm gần đây cho thấy, không có năm nào mà tăng trưởng quý sau không cao hơn quý trước. Vì vậy đây không phải là dấu hiệu của sự phục hồi kinh tế.

Ngay cả lạm phát năm nay dự kiến ở mức 8%, tuy đã giảm so với năm 2011 nhưng chưa thật vững chắc và còn cao so với các nước trong khu vực. Đáng quan tâm là lạm phát năm nay giảm do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do tổng cầu suy giảm, sức mua suy giảm. Đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm không biến động, thậm chí còn giảm và bị ép giá, chi phí đầu vào vẫn tăng gây khó khăn cho đời sống nông dân. Hơn thế, lạm phát còn cao kéo theo lãi suất gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhìn vào ba trụ cột chính của nền kinh tế là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, có thể nhận thấy cả ba đều giảm so với cùng kỳ năm trước, nếu có tăng thì cũng thấp hơn so với cùng kỳ.

Một thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhận định, nếu nhìn vào các biến số kinh tế trong tháng 11 có thể nhận thấy tăng trưởng đôi chút, song nếu những tháng tới công nghiệp vẫn giậm chân tại chỗ, nông nghiệp gặp khó thì rất khó để nói đến chuyện tăng trưởng kinh tế. Theo Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, nếu không có gì đột biến, mục tiêu tăng trưởng công nghiệp cả năm 5,3% đề ra là rất khó thực hiện vì chỉ còn một tháng nữa là hết năm, song tăng trưởng toàn ngành mới chỉ đạt 4,6%. Hiện nay, tâm lý chung của giới doanh nghiệp là sản xuất cầm chừng, không mạnh dạn đầu tư vì thế GDP khó tăng lên. Nếu tình hình vẫn tiếp tục diễn biến như hiện nay thì tăng trưởng còn ì ạch và không thể thoát khỏi vòng xoáy khó khăn. Rõ ràng, nhìn một cách tổng thể, nước ta chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa một năm mới với “tài sản, vốn liếng” kinh tế không mấy dư dả. Tăng trưởng GDP năm 2012 ước chỉ đạt 5,2%, là mức tăng thấp nhất trong 13 năm qua và là năm thứ 2 liên tiếp suy giảm. Tổng vốn đầu tư xã hội, cơ sở để tạo ra công ăn việc làm và tăng trưởng, ước chỉ thực hiện được 29,5% GDP, giảm 4% so với kế hoạch, trong đó vốn đầu tư khu vực tư nhân chỉ đạt 70% so với kế hoạch.

Trong bối cảnh khó khăn này, Chính phủ đã đề ra 9 nhóm giải pháp điều hành kinh tế xã hội năm 2013. Vấn đề được đặt ra là, việc điều hành các giải pháp đó đi vào cuộc sống như thế nào, có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện hay không? Chỉ có những giải pháp đột phá đồng bộ mới có thể đưa nền kinh tế thoát khỏi vòng khó khăn luẩn quẩn, niềm tin sẽ trở lại, tạo đà phục hồi sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay đã giảm mạnh, nhiều chương trình tín dụng đã được ngân hàng đưa ra, phần nào đó đang giúp doanh nghiệp vượt qua “cơn khát” vốn.