Thoái vốn quá khó!
(ANTĐ) - Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), một mô hình được ra đời cách nay 2 năm với rất nhiều kỳ vọng: Tiếp quản vốn, thoái vốn, tái cơ cấu các doanh nghiệp. Mục tiêu, chiến lược phát triển phải nói là khá “hoành tráng”, song mặc dù đang sở hữu vốn Nhà nước tại gần 1.000 doanh nghiệp, SCIC đang vấp phải những “tảng đá” nên chưa thể đi đúng
Theo đề xuất của UBTV Quốc hội, SCIC chỉ giữ vốn tại 100 doanh nghiệp. Theo đó, SCIC phải thoái vốn nhanh tại hơn 750 doanh nghiệp nữa. Việc giữ vốn tại 100 doanh nghiệp sẽ giúp cho SCIC quản lý vốn Nhà nước tập trung, làm ăn có hiệu quả hơn. Tính đến tháng 6-2008, SCIC tiếp nhận lượng vốn 8.035 tỷ đồng của 876 doanh nghiệp, 10% số này làm ăn thua lỗ.
Do quá trình thoái vốn rối rắm, phức tạp, kéo “dầm dề” nên đến thời điểm này, SCIC chỉ thoái vốn được 45 doanh nghiệp. Vì sao diễn ra tình trạng ì ạch, trì trệ như vậy? Ông Phó Tổng Giám đốc SCIC không giấu giếm thực trạng này, hầu hết các doanh nghiệp mà SCIC tiếp quản vốn đều thuộc dạng “ốm yếu, còi cọc”, số vốn chưa nổi 10 tỷ đồng.
45% số doanh nghiệp này có tỷ suất lợi nhuận thấp dưới 10%, thậm chí nhiều cơ sở thua lỗ, “cụt” vốn. ấy vậy mà đa số doanh nghiệp vẫn muốn “cố thủ” không muốn để SCIC thoái vốn. Lý do thật đơn giản, họ sợ bị phá sản thì sẽ mất ghế, mất chức quyền, mất lợi và lộc. Cá biệt có những Bộ, ngành, địa phương “ôm” chặt không muốn chuyển giao doanh nghiệp và phần vốn.
Đã vậy, “tảng đá” thoái vốn còn bị đè nặng thêm bởi phương thức thoái vốn, bán cổ phần rất hạn hẹp. Bắt buộc nhà đầu tư chiến lược phải mua cổ phần theo giá bình quân nhưng không tính đến giá trị thương hiệu, công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp thì có khác gì “bắt bí” họ, còn gì là hấp dẫn?
Đây rõ ràng là những “tảng đá” vô hình ngáng giữa đường khiến SCIC “tiến thoái lưỡng nan” trong việc thoái vốn, cơ cấu lại phần vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp. Khi thành lập SCIC, quy định bằng giấy trắng mực đen rõ ràng: “SCIC được chủ động lựa chọn và quyết định lĩnh vực đầu tư kinh doanh theo nguyên tắc thị trường”.
Thực tế thì sao? SCIC chưa “chạm” được tới quyền chủ động này, ngược lại, hết sức bị động, lúng túng trong một mớ thủ tục hành chính trong đấu giá, thỏa thuận bán cổ phần. Đặc biệt, rất nhiều việc hoặc phải “xin phép”, hoặc phải kiến nghị và ngồi chờ phê duyệt.
Ngoài “vỏ” là Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước, nhưng thực sự “trong ruột” SCIC vẫn hoạt động theo cơ chế hành chính, trong khi nguồn nhân lực cao cấp cho hoạt động kinh doanh vốn lại “đậm đặc” tính thị trường. Nguy cơ “chảy máu” chất xám hoặc thiếu hụt người giỏi, người tài trong lĩnh vực kinh doanh “siêu” vốn đầy rủi ro này đang treo trên đầu SCIC.
Mô hình tổng công ty hoặc quỹ đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước chẳng phải mới mẻ, lạ lẫm gì. Nó đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia với định hướng “bất di bất dịch” là hoạt động theo quy luật kinh tế và cơ chế thị trường. Chỉ có như vậy, SCIC mới có thực quyền tự chủ, chủ động trong đầu tư, kinh doanh và hợp tác với doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế lớn.
Chừng nào SCIC chưa có được cơ chế tự chủ và năng động, thì chỉ riêng việc thoái vốn, cơ cấu lại vốn tại gần 1.000 doanh nghiệp cũng khiến SCIC phải mất ít nhất cả chục năm chật vật và chưa chắc đã thành công.
Đan Thanh