Thiếu tiền trả nợ, lao vào vòng xoáy tín dụng đen

ANTĐ - Ngày 7-1, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tiếp tục ngày làm việc thứ hai với phần xét hỏi. Là bị cáo đầu tiên được gọi lên thẩm vấn, Huỳnh Thị Huyền Như (ảnh) thừa nhận nội dung cũng như tội danh mà cáo trạng nêu là chính xác. 

Huyền Như khai, năm 2007 khi đang là nhân viên tín dụng tại Vietinbank - chi nhánh TP.HCM, Như bắt đầu bước vào kinh doanh bất động sản. Đến năm 2008, khi trào lưu kinh doanh bất động sản và chứng khoán nổi lên, bị cáo tiếp tục kinh doanh chứng khoán. Để có tiền kinh doanh, Như vay tiền của các bị cáo Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành. Cáo trạng xác định từ tháng 12-2009 đến 9-2011, Nguyễn Thiên Lý đã cho Như vay tổng cộng hơn 554 tỷ đồng và 340.000 USD. Như đã phải trả cho Lý hơn 1.296 tỷ đồng nhưng hiện vẫn còn nợ Lý 216 tỷ đồng và 340.000 USD tiền gốc. Nguyễn Thị Lành đã cho Như vay tổng số tiền là 7.841 tỷ đồng, Như đã trả cho Lành hơn 9.028 tỷ đồng. Trường hợp Đào Thị Tuyết Dung, lúc đầu Như vay 3 tỷ đồng nhưng dần dần sau đó lên tới hàng trăm tỷ đồng, Như đã trả cho Dung hơn 100 tỷ còn nợ 150 tỷ đồng cả gốc và lãi. 


Như khai do không có tiền để trả nợ lại bị Lý và Lành uy hiếp nên bị cáo bắt đầu nghĩ cách giả danh Vietinbank - chi nhánh TP.HCM để huy động vốn lấy tiền trả nợ. Đầu tiên, Như thuê người làm giả con dấu của 8 cơ quan đơn vị gồm: Công ty CP vận tải dầu khí Thái Bình Dương, Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát và Công ty Hưng Yên, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Ngân hàng Nam Việt, Ngân hàng ACB. Sau khi làm giả các con dấu trên, Như đã lấy danh nghĩa Vietinbank tiếp cận những nơi có nhu cầu gửi tiền để huy động vốn. 

Trả lời thẩm vấn, Như cũng thừa nhận bằng các thủ đoạn gian dối đã chiếm đoạt của Ngân hàng ACB hơn 718 tỷ đồng thông qua hợp đồng tiền gửi của 21 nhân viên ngân hàng này đứng tên gửi tại Vietinbank. Trong mỗi phi vụ làm ăn, Như đã chi từ vài tỷ đến cả chục tỷ đồng cho tiền công môi giới và lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng. Khi đại diện Viện Kiểm sát chất vấn: Nếu bị cáo nói đang trong tình trạng mất cân đối, vậy ai khống chế bị cáo? Như trình bày, do bị cáo Lành và Lý bảo nếu không thanh toán kịp thì sẽ dẫn người lên ngân hàng đang làm để phá. Như hy vọng kinh doanh cổ phiếu có lãi để trả song thị trường đóng băng, Như sợ chủ nợ làm lớn chuyện, bị dọa… đập vỡ mặt nên mới đi vay. Như cho biết, đã bán nhiều bất động sản và cổ phiếu, thậm chí chấp nhận lỗ 50% nhưng lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền thu về không thấm vào đâu so với lãi suất ngày càng lớn.

Trước đó, phiên tòa thực sự “nóng” khi nhiều luật sư bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền lợi cho bị hại, nguyên đơn dân sự và những người liên quan có ý kiến đề nghị hoãn phiên tòa. 15 phút sau, chủ tọa Nguyễn Đức Sáu đã công bố quyết định của HĐXX, bác các yêu cầu của luật sư. Việc xác định tư cách bị đơn dân sự sẽ diễn ra trong suốt quá trình xét xử; về nhân chứng, HĐXX cũng đã triệu tập đầy đủ, nếu trong quá trình xét xử, xét thấy cần thiết sẽ triệu tập thêm.