Thiếu kiến thức thực tế, thí sinh khó hoàn thành đề thi môn Địa lý

ANTĐ - Sáng 9-7, nhiều thí sinh đều thừa nhận môn Địa lý được ra theo hướng vận dụng kiến thức thực tế. Câu hỏi về an ninh quốc phòng đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không dễ lấy được trọn vẹn số điểm.

10h15 kết thúc mốn thi đầu tiên khối C, thí sinh Nguyễn Mai Anh, chuyên ngàn Luật, ĐH Công Đoàn cho biết, câu hỏi đầu tiên của đề Địa lý liên quan đến biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa không nằm ngoài dự đoán, nhưng để đạt được tron vẹn 3 điểm câu 1 với thí sinh không dễ nếu thiếu kiến thức thực tế.

Thí sinh khối C được yêu cầu vận dụng nhiều kiến thức thực tế trong đề thi năm nay

     

Tại Hội đồng thi Phân viện Báo chí và tuyên truyền, không ít thí sinh ra khỏi phòng thi khá sớm với gương mặt rạng rỡ vì làm được bài. Theo đánh giá của nhiều thí sinh, đề thi Địa lý năm nay không quá khó với hai câu hỏi liên quan đến biển đảo. Thí sinh Nguyễn Lan Anh, từ Nam Định về dự thi tại hội đồng thi này cho biết, em làm được hết các câu hỏi. "Câu hỏi trình bày vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa như thế nào về an ninh quốc phòng rất hay và vừa sức, vì đây là vấn đề thời sự suốt mấy tháng nay được cả xã hội quan tâm"- Nguyễn Lan Anh cho biết. 

Với khối D, đề thi Toán không dễ để làm trọn vẹn. Thí sinh Nguyễn Hà Phương, tỉnh Hà Nam, dự thi ĐH Công Đoàn cho biết đề thi với em khó và dài khi có tới 9 câu hỏi: "Cấu trúc đề thi năm nay có điểm khác là không có phần tự chọn. Tuy nhiên, với thí sinh khối D, chúng em không hy vọng làm hết môn Toán. Đành phải trông chờ vào môn Ngữ Văn và ngoại ngữ".

Bà Đinh Thị Vân Chi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết, năm nào thí sinh thi khối C cũng xảy ra tình trạng quay cóp, hỏi bài. "Điều này chỉ có thể khắc phục tốt nhất bằng cách thay đổi cách ra đề thi. Tôi rất ủng hộ cách ra đề mở của Bộ GD-ĐT. Đề thi năm nay đổi mới sẽ góp phần hạn chế tình trạng học thuộc lòng cũng như quay cóp của thí sinh đối với các môn xã hội, đồng thời phát huy sự sáng tạo của thí sinh, vì lâu nay giáo dục Việt Nam vẫn bị đánh giá là rất yếu trong việc gắn kết thực tế với học tập trong trường.

Sáng 9-7, hơn 575.000 thí sinh trên cả nước đã hoàn thành môn thi đầu tiên, kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ 2014 với các khối B, C, D và các khối năng khiếu.