Thiếu 314 trường công lập, Hà Nội phải điều chỉnh quy hoạch

ANTD.VN - HĐND TP đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát quy hoạch các quận huyện, căn cứ vào tình hình thực tế, đề xuất bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học trước tình trạng thiếu 314 trường công lập đến năm 2020.

Sáng 19-5, Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP đã chủ trì buổi giám sát của Thường trực HĐND TP về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 5-4-2012 của HĐND TP cùng với Sở GD-ĐT và Sở LĐ-TB&XH Hà Nội.

Quy hoạch mạng lưới trường học của Hà Nội dự kiến là nội dung chất vấn tại kỳ họp HĐND TP sắp tới

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 2.669 trường học, gần 1,9 triệu học sinh. Thực hiện quy hoạch giai đoạn 2011-2015, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả như mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học, xã hội hoá giáo dục có nhiều bước chuyển biến huy động được các nguồn lực đầu tư, phát triển giáo dục. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2020, tổng số các trường mầm non và phổ thông còn thiếu 314 trường công lập, trong đó, thiếu nhiều nhất tập trung vào khối mầm non công lập với 166 trường đến năm 2020, khối tiểu học thiếu 76 trường, thiếu 55 trường THCS.

Dự kiến đến năm 2020 Hà Nội thiếu 314 trường học công lập

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP  cho biết, thành phố và các quận huyện rất quan tâm chỉ đạo đầu tư kinh phí, xây dựng trường chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tăng cường công tác xã hội hoá…

So sánh với các chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 5-4-2012 của HĐND TP, Hà Nội đã hoàn thành 9 trên 16 chỉ tiêu dù mục tiêu đặt ra là đến năm 2020.

Tuy nhiên, Hà Nội còn một số tồn tại như chỉ tiêu về sĩ số học sinh trên lớp, tỷ lệ trường đạt chuẩn, số học sinh học 2 buổi/ngày bậc THCS… Đội ngũ giáo viên đang thiếu trên 8.000 giáo viên công lập.

Về cơ sở vật chất vẫn còn phòng học cấp 4, phòng học tạm, đặc biệt là khối mầm non và khu vực ngoài đê.

Theo ông Ngô Văn Quý, trong bối cảnh hiện nay, Hà Nội cần điều chỉnh lại quy hoạch mạng lưới trường học cho phù hợp. “Cần bổ sung, điều chỉnh quy hoạch này như thế nào thì ngành giáo dục chủ trì, rà soát đến từng phường và có lộ trình thực hiện” – ông Ngô Văn Quý nói.

Phó Chủ tịch UBND TP kiến nghị với HĐND TP ưu tiên thứ tự đầu tư nhưng nơi thiếu chỗ học, ưu tiến xoá phòng học cấp 4, phòng học tạm, đầu tư trường đã đạt chuẩn quốc gia nhưng đang xuống cấp để được công nhận lại.

Hà Nội vẫn còn nhiều điểm trường lẻ, phòng học tạm, phòng học cấp 4

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP đánh giá, UBND TP chỉ đạo thực hiện rất đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 5-4-2012 của HĐND TP. Tất cả các quận huyện đã chuyển đổi nhận thức, vào cuộc rõ ràng. Nhiều chỉ tiêu đặt ra đến năm 2020 đã đạt và vượt. Hệ thống giáo dục ngày càng phát triển về số lượng trường học, số học sinh, chất lượng dạy và học được nâng cao, dẫn đầu cả nước...

Việc quan tâm đầu tư giáo dục có thể thấy qua thống kê từ năm 2011 đến nay, Hà Nội chi xấp xỉ 28.000 tỷ đồng, chưa nói đến xã hội hoá, cho việc cải tạo, xây mới trường học. Tổng số trường vừa sửa chữa, vừa xây dựng là 881 trường, trong đó xây mới 250 trường, đều bám vào quy hoạch, đạt chỉ tiêu đặt ra.

Chỉ ra những tồn tại trong việc triển khai quy hoạch mạng lưới trường học, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, điểm nhìn thấy rõ nhất là dân số tăng nhanh, học sinh tăng khiến hạ tầng cơ sở đầu tư nhiều cũng không đáp ứng được.

“Chia bình quân tăng 400.000 học sinh với việc xây mới được 250 trường, quy mô 17 lớp/trường thì chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đó là chưa kể lượng tăng dân số không đều các khu vực, chủ yếu tập trung ở nội đô như Hoàng Mai, Hà Đông…”- bà Ngọc nêu rõ.

Chủ tịch HĐND TP cho rằng, nguồn lực đầu tư lớn nhưng so với yêu cầu chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, một số quận huyện chưa thực sự quan tâm tới quy hoạch trường lớp, còn chỉ ra những địa điểm xây dựng trường học không phù hợp.

“Tôi đề nghị UBND TP chỉ đạo các cấp, các ngành làm rõ xem cần sửa đổi Nghị quyết 05 như thế nào trên cơ sở rà soát lại quy hoạch mạng lưới giáo dục, xuất phát từ thực tiễn yêu cầu và định hướng phát triển tới. Từ nay đến 2020 thiếu hơn 300 trường thì thiếu ở khu vực nào và lộ trình, giải pháp thực hiện ra sao? Đặc biệt việc có 15 khu đô thị đã xây dựng trường học trong số 78 khu đô thị đi vào hoạt động thì biện pháp nào để xử lý các nhà đầu tư chậm trễ trong triển khai xây dựng trường học theo quy hoạch?” – Chủ tịch HĐND TP đặt câu hỏi.

“UBND TP phải trả lời bài toán để đáp ứng yêu cầu 30 học sinh/lớp thì phải xây mới thêm bao nhiêu trường lớp?” – bà Nguyễn Thị Bích Ngọc chốt lại.