Nhà máy, công sở nhường chỗ cho trường học

ANTĐ - TP Hà Nội vừa phê duyệt 2 đồ án quy hoạch quan trọng liên quan tới phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo Thủ đô trong 20 năm tới. Trong đó, TP chính thức tuyên bố sẽ ưu tiên xây dựng trường học trên quỹ đất dôi dư có được sau khi di dời các cơ quan, đơn vị ra khỏi nội thành.

Kiến nghị dành khu đất nhà máy rượu Hà Nội xây trường học

Theo Quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất 1 trường mầm non công lập. Quy mô trường không quá 20 nhóm lớp/trường, số trẻ trung bình từ 30 - 35 trẻ/nhóm lớp. Diện tích đất tối thiểu cho 1 học sinh ở nội thành là 8m2/học sinh. Khu vực ngoại thành 12m2/học sinh. Đối với trường xây mới, sẽ thực hiện theo tiêu chuẩn xây dựng tối thiểu là 15m2/học sinh.

Dự kiến, thành phố cần cải tạo và xây mới 724 trường mầm non giai đoạn 2011 – 2030. Trong đó, có 500 trường công lập. Tương tự, ở bậc tiểu học, TP sẽ cải tạo và xây mới 234 trường. Quy mô trường không quá 30 lớp/trường, số học sinh trung bình 30 học sinh/lớp. Mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất 1 trường tiểu học công lập. TP cũng sẽ bố trí quỹ đất để xây dựng ít nhất 1 trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật, trẻ em tự kỷ tại các quận, huyện, thị xã...

Phó Chủ tịch UBND TP, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, giai đoạn 2011-2015, Hà Nội “tạm tính” kinh phí xây mới 278 trường học là 7.900 tỷ đồng. Trong đó, công lập xây mới 208 trường với 5.740 tỷ đồng. Tiếp theo, ở giai đoạn II (2016-2020), Thủ đô sẽ xây mới 357 trường với 22.330 tỷ đồng, trong đó, có 231 trường công với 14.090 tỷ đồng đầu tư. Trong giai đoạn III (2021-2030), tổng mức đầu tư tăng vọt lên 40.360 tỷ đồng, trong đó, phần ngân sách là 31.560 tỷ đồng.

Để tìm kiếm nguồn vốn đầu tư lớn xây trường đã khó nhưng lực cản lớn hơn lại tới từ việc Hà Nội quá thiếu quỹ đất xây trường học. Theo Sở TN-MT Hà Nội, đến năm 2020, Hà Nội cần thêm hơn 17 triệu m2 đất để xây trường học. Đặc biệt, ở khu vực nội thành, quỹ đất để xây dựng trường đã gần như cạn kiệt, trong khi nhu cầu học của trẻ em ngày càng tăng. Nếu tính trên phạm vi toàn thành phố, diện tích xây trường mầm non còn thiếu 2,3 triệu m2; tiểu học thiếu 1,9 triệu m2; THCS 1,1 triệu m2 và THPT là 1,2 triệu m2. Ví dụ điển hình là việc 2 quận Đống Đa, Hai Bà Trưng đã nỗ lực tối đa trong gần 2 năm nay để tìm kiếm quỹ đất giải quyết 6 phường hiện chưa có trường mầm non công lập nhưng tới nay vẫn chưa xong. Hai quận này hiện đang “chạy đua” với thời gian để kịp hoàn thành nhiệm vụ TP giao trong năm 2012.

Để giải bài toán khó này, Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhấn mạnh: “TP sẽ ưu tiên dành quỹ đất 5% phục vụ công cộng của các xã và tận dụng quỹ đất còn trống chưa khai thác để xây dựng trường học”. Đối với từng dự án cụ thể về cải tạo, mở rộng diện tích của các trường học hiện có trong khu vực nội thành, TP sẽ xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án nâng thêm tầng. Học sinh được bố trí học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao. Đặc biệt, TP xác định rõ: “Ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng trường học khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội thành. Đồng thời, hạn chế xây dựng các nhà chung cư cao tầng tại khu vực nội thành để giảm học sinh do tăng dân số cơ học...”.

Yêu cầu này trùng khớp với nguyện vọng của đông đảo người dân Hà Nội. Đơn cử, đầu tháng 7-2012, cử tri quận Hai Bà Trưng đã đề nghị TP sớm có quyết định để mở rộng trường THCS Lê Ngọc Hân và trường mẫu giáo Chim Non tại khu đất nhà máy rượu Hà Nội đã chuyển đi trên địa bàn phường Phạm Đình Hổ. Có yêu cầu tương tự, cử tri Ba Đình muốn TP nghiên cứu chuyển địa điểm xây dựng trường học cho nhân dân phường Liễu Giai về trụ sở Thanh tra Chính phủ nếu khu đất này được tiếp nhận về Hà Nội.