Thích đối mặt thách thức

(ANTĐ) - Từ khi biết anh, tôi chưa bao giờ bỏ buổi chiếu ra mắt phim nhựa do anh làm đạo diễn, từ “Cỏ lau”, “Những người thợ xẻ”, “Của rơi”. Thế mà khi “Rừng đen” đã chiếu khắp nơi dễ đến gần một năm, tôi vẫn... thật thà nói với anh rằng, tôi chưa xem. Anh giận và bảo, nếu thứ bảy này ở LHP khối Pháp ngữ, không đi xem, đừng nhìn... mặt anh. Hằm hè là vậy nhưng đạo diễn, NSưT Vương Đức, Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật Hãng phim Truyện Việt Nam vẫn dành cho ANTĐ Cuối tuần một cuộc trò chuyện cởi mở.

Thích đối mặt thách thức

(ANTĐ) - Từ khi biết anh, tôi chưa bao giờ bỏ buổi chiếu ra mắt phim nhựa do anh làm đạo diễn, từ “Cỏ lau”, “Những người thợ xẻ”, “Của rơi”. Thế mà khi “Rừng đen” đã chiếu khắp nơi dễ đến gần một năm, tôi vẫn... thật thà nói với anh rằng, tôi chưa xem. Anh giận và bảo, nếu thứ bảy này ở LHP khối Pháp ngữ, không đi xem, đừng nhìn... mặt anh. Hằm hè là vậy nhưng đạo diễn, NSưT Vương Đức, Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật Hãng phim Truyện Việt Nam vẫn dành cho ANTĐ Cuối tuần một cuộc trò chuyện cởi mở.

Không ngại va chạm

- Dạo này thấy anh có vẻ yên ắng nhỉ?

- Tôi làm công tác chuyên môn ở Hãng phim truyện Việt Nam, ở Hội Điện ảnh, đi dạy ở Đại học Sân khấu điện ảnh, tham gia nhiều hoạt động tổ chức cho lễ kỷ niệm 90 năm trường VGIK, mời những người thầy cũ ở trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên bang Nga sang thăm Việt Nam, nhiều việc lắm...

- Ý tôi muốn hỏi, tại sao không thấy anh tham gia những diễn đàn tranh luận khá sôi nổi về điện ảnh, như trước nữa?

- Có thể thời gian trước tôi hay được mời tham gia nhiều vấn đề gai góc về kịch bản, chuyện làm phim, phát hành... Tôi không ngại va chạm, nói hơi quyết liệt nên ai đó nghĩ rằng tôi muốn gây ấn tượng, đâm ra hiểu lầm, giận hờn, cả sự đố kỵ, ganh ghét.

- Thế ra những chuyện “soi” nhau?

- Ở mức độ nào đó chuyện này là không tránh khỏi, nhưng một khi đã quá trớn thì rất tai hại. Tôi nhớ, không ít người từng mắng mỏ phim của tôi. Tôi bảo, anh cứ mắng tôi thế này, thế kia, nhưng tôi là ai? Tôi chính là anh đấy. Những phim tôi làm là để phản ánh cuộc sống này, những con người trong xã hội này, trong đó có anh... Rồi khi phim được chọn đi chiếu ở nhiều LHP quốc tế, họ im lặng, không ủng hộ, cũng không tỏ quan điểm.

- Sau Cánh diều Vàng 2008, nhiều người lên tiếng về việc, đã đến lúc phải xóa sổ các hãng phim Nhà nước, anh nghĩ sao?

- Tại sao họ lại phát biểu vậy? Những quốc gia có nền điện ảnh phát triển, hàng năm đều có tài trợ của Nhà nước, ít nhất 60-70% cho việc sản xuất, phổ biến phim nhằm nâng cao vị thế nền văn hóa dân tộc của họ. ở Việt Nam, những mảng đề tài chiến tranh, lịch sử, dân tộc, miền núi... nếu không có các hãng phim Nhà nước, không có những đạo diễn, diễn viên thuộc biên chế Nhà nước đảm nhận, không có trang thiết bị của các hãng phim Nhà nước, ai dám làm phim vì mục đích xã hội...    

- Tôi muốn nói đến một vấn đề liên quan khác. BGK phim truyện nhựa Cánh diều Vàng 2008 đã cởi mở hơn khi có tới 5 phim của tư nhân được đề cử. Phải chăng phim tư nhân chiếm ưu thế so với phim Nhà nước?

- Nền điện ảnh của chúng ta đang chuyển động, khoảng cách cũng như sự gắn kết giữa các hãng phim Nhà nước và tư nhân ngày càng nhịp nhàng, các khâu sáng tác, sản xuất, phát hành cũng theo hướng chuyên nghiệp hơn... Vì thế, những người nói xóa sổ các hãng phim Nhà nước là thiếu trách nhiệm. Tất nhiên với tư cách thành viên BGK, nếu có ý riêng tư, tôi phải chọn khu vực phim của mình, để có giải, để... vui vẻ chứ. Nhưng lối tư duy địa phương, cảm tính ấy sẽ kéo lùi sự phát triển của điện ảnh.

- Song nhớ mấy lễ trao giải trước, vẻ như phim truyện nhựa đã được trao giải, theo cách như thế... Và chính anh cũng từng giận dỗi, không nhận giải?

- Anh có quyền phản đối, tôi có quyền không nhận giải. Mọi thứ, theo tôi chỉ có ý nghĩa tương đối. Đừng đặt sinh mệnh bộ phim của mình, sự nghiệp của mình vào một BGK. Cũng không phải phim hay, đạo diễn giỏi là từ xác nhận của BGK ấy, phim của anh có thể được giải ở LHP này nhưng đâu đã thắng ở LHP khác... Phim không phải là tinh thần của một mình đạo diễn mà là kết tinh của một tập thể. Ai đó có thể ghét tôi, vì thực sự tôi cũng đáng ghét do tính cách khó chịu... Họ ghét tôi thế nào, tôi xin chịu song tôi cần họ đối xử công bằng với phim của tôi, với các diễn viên tham gia phim của tôi.

Tôi vẫn là tôi

- Bạn bè nhìn nhận anh sống tình cảm, chân thành, không quên quá khứ nhưng không thù hận...  

- Bố tôi từng dạy, đừng bao giờ hại ai và nếu để đạt được mục đích cá nhân mình, đừng đè lên đầu người khác, cố gắng đi bằng con đường sạch sẽ. Nhiều người đối xử với tôi rất tệ, tôi cũng thấm và hiểu thế nào là sống tỉnh táo, sống thông minh. Bạn của bố tôi, nhà văn Nguyễn Văn Bổng cũng nói, sống tỉnh táo là phải biết tránh những trục trặc ngay từ đầu, và tôi đã từng cố gạt mọi phiền lụy để giữ tâm thế yên ổn. Song bây giờ, tôi thấy mình phải biết sống thông minh, sống để vượt qua, để biết xử lý những khó khăn, rắc rối... Có lẽ thế mà như anh hỏi, giờ tôi ít tranh luận hơn. Tôi muốn thanh thản để làm điều gì đó thiết thực, được tiếp tục những dự án làm phim hơn là tranh cãi mà không đem kết quả gì. Bởi tôi, vẫn là tôi, vẫn thích mọi thứ rành mạch, rõ ràng. Tuy nhiên đến độ tuổi hơn năm mươi rồi, đã chín chắn hơn, trầm tĩnh hơn.

- Là người có tiếng khắt khe trong nghệ thuật, đôi lúc cực đoan, khi về nhà, tôi cảm thấy anh hơi sợ... vợ?

- Tôi rất sợ vợ là khác. Ngọc Bích nói là tôi phải nghe ngay... Bích biết cuộc sống của tôi, tâm trí của tôi là điện ảnh, những lúc nghĩ đến phim là quên cả vợ con. Rồi công việc căng thẳng, cáu giận nói văng mạng... Nhưng Bích hiểu tôi và chấp nhận những cơn “đồng bóng” ấy... Trong sự nghiệp, gia đình là điểm tựa, là nơi sẻ chia những lúc khó khăn nhất, bi đát nhất, yếu đuối nhất.  Tôi biết ơn vợ, con vì họ đã bên cạnh tôi, cùng tôi làm việc cật lực, làm việc vất vả...

- Trở lại chuyện nghề. Tôi nhớ có một lần anh bảo, anh sẵn sàng làm 3 kiếp... cẩu, để có kịch bản hay, có kinh phí làm phim và có nhiều khán giả. Xem ra, mọi thứ đối với anh khá long đong lận đận...

- Bao giờ chuyện làm phim đối với tôi cũng khó khăn, chật vật. Tôi từng làm những nghề có thể kiếm được nhiều tiền hơn làm phim truyện nhựa song chỉ có làm phim, tôi mới là tôi. Thú thực, sau mỗi lần hoàn thành một bộ phim nhựa, tôi đều có ý... bỏ nghề, vì thấy mình mệt mỏi, kiệt sức. Quá nhiều khó khăn, vất vả, hiểm nguy... Song tôi lại luôn thích đối mặt với những thách thức. Càng khó khăn tôi càng quyết vượt qua. Có lẽ thế mà sau 20 năm làm nghề, tôi cũng có một vài thành công nho nhỏ...

- Cái sự quyết liệt, có thể nói là quay quắt của anh cũng được anh truyền vào phim. Vì thế những phim của anh khá riêng, dữ dằn, khắc nghiệt và có gì đó rất ám ảnh...

- Phim của tôi, “Cỏ lau” gần 20 năm, “Những người thợ xẻ” cũng 10 năm đến bây giờ vẫn được khán giả trong và ngoài nước đón nhận. Những phim đó gần gũi với cuộc sống bởi sự đan xen giữa bản năng và lý trí, giằng xé lương tâm giữa thiện và ác. Nhưng nếu ở khía cạnh nghề nghiệp, tự tôi thấy phim tôi đạo diễn, không đơn giản. Những câu chuyện trong phim đa thanh, đa nghĩa, dữ dội và mỗi góc nhân vật đều phản ánh một góc nhỏ cuộc sống. Vậy mà khi làm phim xong, tôi vẫn thấy tiếc. Giá như có nhiều thời gian, nhiều tiền bạc, tôi sẽ vẫn làm lại...

- Cá nhân tôi, tôi thích phim của anh. Nhưng sao “Của rơi”, “Rừng đen”, vẫn không nhiều khán giả?

- Mỗi bộ phim là nhân sinh quan, thế giới quan của đạo diễn, là bao tâm huyết dồn nén, đọc và suy ngẫm, có khi hàng chục năm... Vì thế không một đạo diễn nào làm phim mà không nghĩ đến khán giả. Phim ra đời mà không được đón nhận thực là nỗi đau lớn. Tuy nhiên số phận của phim cũng như số phận của một con người. Có thể trong khu vực sản xuất phim, tôi là một chuyên gia song trong phát hành phim, tôi chỉ là một binh nhì. Nhưng như tôi đã nói, phim của tôi vẫn có khán giả, vẫn đang “lòng vòng” khắp thế giới đấy chứ. Còn ở Việt Nam, “Của rơi” đã gặp trục trặc ở khâu phát hành, “Rừng đen” thì mới bắt đầu...

Và hy vọng

- Anh nhìn nhận thế nào về sự phát triển của điện ảnh Việt Nam?

- Cả năm, thế giới làm trên 2.000 phim trong đó khoảng 20 phim tốt và xuất sắc được các LHP quốc tế đánh giá cao. Như vậy Việt Nam mỗi năm có 10 phim, theo tiêu chuẩn thế giới, chúng ta phải 10 năm  mới có 1 phim tốt. Nhưng với một nền điện ảnh còn quá khiêm nhường, có thể nói yếu nhiều mặt, mà năm nào chúng ta cũng có 1-2 phim xem được, phải thấy rằng nỗ lực của những người làm điện ảnh Việt Nam đáng được trân trọng.

Tuy nhiên mới có chút thành công, nhiều người đã tưởng Việt Nam có một nền điện ảnh có thể ngạo nghễ ở Cannes, Oscar, Berlin... Thực tế chúng ta đang tụt hậu khá xa so với ngay cả nhiều nền điện ảnh trong khu vực như Thái Lan, Singapore về tư duy nghệ thuật, phương tiện làm phim cũng như công nghệ tiếp thị. Ai đó vẫn đang ngồi đáy giếng trong khi không muốn chắp cánh ước mơ cho những người khác, cho thế hệ trẻ, không đoàn kết, không giúp đỡ nhau...  

- Theo anh, một mô hình quản lý của hãng phim Nhà nước sẽ như thế nào?

- Rất, rất nhiều người đã, đang hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh,  có tâm và vẫn tràn căng trong mình một tinh thần hiệp sỹ, sẵn sàng sống giản dị, suy ngẫm và chuẩn bị, để một ngày được tham gia làm phim, được sống trong không khí điện ảnh. Có thể ở giai đoạn nào đấy, ai đó cho rằng,  điện ảnh Việt Nam  “chết” nhưng chỉ khi nào không có phim chiếu, khi nào không được khán giả chú ý, lúc đấy mới là “chết” thật sự... Điện ảnh Việt Nam cần một mô hình mềm mại, biết vận dụng những thông tin, kiến thức của điện ảnh quốc tế trong sản xuất, phổ biến phim sao cho phù hợp với từng giai đoạn, để dù có khó khăn đến mấy, thách thức đến mấy, chúng ta vẫn đối mặt, vẫn cho ra lò những tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn cao. Và khi còn những bộ phim như vậy, nền điện ảnh Việt Nam vẫn đang tồn tại và sẽ tiếp tục phát triển. 

 Đông Hải

(Thực hiện)