Thế mạnh vẫn... ngủ yên
(ANTĐ) - Sau dầu thô, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản mang về cho nước ta hàng chục tỷ đô la mỗi năm. Tuy nhiên, nếu trừ đi chi phí vật tư nông nghiệp, nguyên liệu nhập khẩu thì số ngoại tệ mang về không nhiều như nhiều người lâu nay lầm tưởng. Đó là chưa kể tới mồ hôi, công sức của hàng triệu nông dân bỏ ra. Rõ ràng, thế mạnh của một nước nông nghiệp truyền thống như Việt Nam còn quá yếu.
Trước hết nhìn từ hạt gạo, mặt hàng nông sản mang về nhiều tỷ USD nhất, hơn thế còn đưa Việt Nam lên ngôi vị thứ hai trong các nước xuất khẩu gạo trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm nay, nước ta chi ra tới 339,8 triệu USD để mua thuốc trừ sâu và vật tư, nguyên liệu, tăng 12,9% so với năm ngoái. Điều này chứng tỏ, diễn biến thời tiết ngày càng khắc nghiệt, sâu bệnh, dịch bệnh ngày càng “lớn nhanh” nên số tiền phải bỏ ra để nhập thuốc trừ sâu ngày càng tăng mạnh qua các năm. Cũng có nghĩa là đồng ruộng, môi trường và người nông dân phải hứng chịu tác động xấu bởi hóa chất độc hại.
Nếu như năm 2007, giá trị kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ sâu trên 250 triệu USD, thì hai năm sau, năm 2009 đã lên gấp đôi gần 500 triệu USD. Giám đốc một công ty sản xuất thuốc trừ sâu thừa nhận, thị trường này phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Nước ta đang phải nhập từ sản phẩm chế biến sẵn đến nguyên liệu. Ngoài thuốc trừ sâu, ngành sản xuất lúa gạo còn phải nhập khẩu tới 1,2 - 1,5 tỷ USD phân bón trong nhiều năm qua. Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn khẳng định, có đến 80% lượng thuốc trừ sâu, phân bón nhập về nước ta để sử dụng vào ngành sản xuất lúa gạo.
Tính toán thiệt hơn, lỗ lãi thì thấy, với kim ngạch xuất khẩu gạo trung bình mỗi năm khoảng 2,2 - 2,5 tỷ USD, nước ta phải mất ít nhất chừng 1,6 - 1,8 tỷ USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu, phân bón, xuất siêu của ngành lúa gạo chẳng đáng “đồng tiền bát gạo”. Đó là chưa tính chi ly chi phí nhập khẩu khác như xăng dầu, máy móc thiết bị, vật tư nông nghiệp. Nhìn vào ngành thủy sản, đặc biệt con cá tra, ba sa, tôm sú… tình trạng cũng không có gì sáng sủa hơn. Ba năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu cá tra mang về trung bình khoảng 1,3 -1,5 tỷ USD, nếu trừ các khoản chi phí nhập khẩu, số ngoại tệ ròng mà ngành này mang về chỉ vỏn vẹn 200 - 400 triệu USD/năm. Nếu tính đúng, tính đủ, tính toán thiệt hơn, thì cái sự lỗ lãi ấy chính là chi phí tài nguyên nước, mồ hôi công sức của người nông dân… chứ chưa hẳn là lợi nhuận.
Với sản lượng trung bình 1,5 triệu tấn cá nguyên liệu mỗi năm, riêng tiền chi ra để nhập nguyên liệu đã lên đến 1,05 tỷ USD. Chưa kể, thuốc thú y, dinh dưỡng cũng phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài. Theo tính toán, chi phí thuốc thú y tốn tới 54 triệu USD cho 1,5 triệu tấn cá nguyên liệu. Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn khẳng định, giá trị gia tăng thu được từ xuất khẩu gạo, hạt điều, cá tra, tôm trong mấy năm gần đây giảm trông thấy, nguyên nhân chủ yếu là do sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu ngày càng cao. Theo số liệu trong 8 tháng đầu năm nay, tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu lên tới 1,475 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2009. Trong 3 năm gần đây, ngành chăn nuôi nhập khẩu tới 1,8 - 2 tỷ USD nguyên liệu thức ăn và khoảng 1,5 - 1,7 tỷ USD thuốc thú y mỗi năm.
Thực trạng hoạt động xuất khẩu nông sản cũng như xuất khẩu dệt may, da giày… cùng chung một “số phận” như nhau. Làm ăn kinh tế thì phải tính toán thiệt hơn. Thiệt đơn thiệt kép cho đất nước, cho người lao động, nông dân sẽ còn kéo dài đến bao giờ? Đây là câu hỏi không dễ trả lời.
Đan Thanh