Thế giới kỳ vọng về sự hồi sinh sau đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự hồi phục nhanh hơn kỳ vọng và lấy lại đà tăng trưởng khá cao trong năm 2021 bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cùng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng đẩy lạm phát tăng cao đã mở ra sự kỳ vọng về sự hồi sinh của nền kinh tế cũng như nhịp sống bình thường trên toàn cầu sau 2 năm đầy biến động.

Phục hồi trong trạng thái “bình thường mới”

Trong thông điệp Giáng sinh đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ đưa ra ngày 25-12, ông Joe Biden kêu gọi hy vọng về sự hồi sinh sau đại dịch Covid-19. Tổng thống Joe Biden đã biểu dương “lòng dũng cảm, sự kiên cường và quyết tâm” của người dân Mỹ, đặc biệt là những người làm nhiệm vụ ở tuyến đầu trong các ngành y tế, an ninh, giáo dục...; đồng thời bày tỏ kỳ vọng nước Mỹ sẽ “tìm thấy ánh sáng trong bóng tối” sau đại dịch Covid-19 trong năm 2022.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh dù là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 trên thế giới, nhưng nền kinh tế đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Sự phục hồi của kinh tế Mỹ cũng là xu thế, bức tranh chung của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021, bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 với sự hoành hành của biến chủng Delta và sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron. Tuy nhiên, nỗ lực không mệt mỏi của các quốc gia và cả cộng đồng quốc tế, đặc biệt là tăng tốc tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 đã giúp dần đưa các hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như cuộc sống, tiêu dùng của người dân trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn sử dụng khẩn cấp nhiều loại vaccine phòng Covid-19 và các nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng đại trà đã tạo động lực để hàng loạt quốc gia chuyển hướng coi Covid-19 là “pandemic” (đại dịch) sang “endemic” (bệnh đặc hữu). Điều này có nghĩa thay vì nỗ lực theo đuổi “Zero Covid-19” (Không Covid-19), các nước điều chỉnh sang mô hình “sống chung an toàn”, vừa kiểm soát các đợt bùng phát dịch, vừa mở cửa trở lại nền kinh tế, các hoạt động sản xuất - kinh doanh và khôi phục cuộc sống bình thường.

Kinh tế thế giới cũng như tiêu dùng được kỳ vọng tiếp tục phục hồi trong năm 2022

Kinh tế thế giới cũng như tiêu dùng được kỳ vọng tiếp tục phục hồi trong năm 2022

Mô hình mở cửa dần dần, từng bước và có cân nhắc cẩn trọng được áp dụng khá rộng rãi. Các nước cho phép những người đã hoàn thành tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính được tự do đi lại, tham gia các hoạt động công cộng. Cùng với đó, công nghệ trở thành trụ cột, tạo điều kiện thúc đẩy trạng thái “bình thường mới”, trong khi xu thế tiêu dùng, lao động của con người đã thay đổi cho phù hợp tình hình mới. Sống chung an toàn với Covid-19 cũng khiến con người thay đổi tư duy và lối sống. Có thể nói việc chủ động, linh hoạt điều chỉnh chiến lược ứng phó với Covid-19 đã tạo bước ngoặt giúp nhiều nước quay lại nhịp sống “bình thường mới” và phục hồi kinh tế.

Việc “sống chung an toàn” với Covid-19 còn đối mặt với nhiều thách thức do virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể mới Omicron đã khiến nhiều nước phải tạm hoãn các kế hoạch mở cửa. Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành du lịch nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, đang có những tín hiệu tích cực. Hiện biến thể Omicron đã xuất hiện ở khoảng 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng rõ ràng các nước đã rút ra nhiều bài học và với những kinh nghiệm xương máu trong 2 năm chống dịch vừa qua, nên thế giới hoàn toàn có thể vượt qua đợt lây nhiễm mới lần này theo như tuyên bố của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus là nhân loại phải kết thúc đại dịch trong năm 2022 và con người có trong tay mọi công cụ để làm được điều đó.

Hợp tác để phục hồi

Kiểm soát tốt hơn dịch bệnh, nhất là đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 là nhân tố được cho quan trọng nhất đóng góp vào sự phục hồi thanh hơn dự kiến của nền kinh tế thế giới trong năm 2021 với ước tính tăng trưởng khoảng 5-6%. Đây là mức tăng trưởng hết sức ấn tượng nếu so với sự suy giảm tới 3-5% trong năm 2002 là năm đầu tiên “cơn bão” Covid-19 “càn quét” trên toàn cầu.

Không chỉ thoát khỏi “bóng đen” suy thoái, kinh tế thế giới trong năm 2021 đã phục hồi nhanh hơn kỳ vọng và lấy lại đà tăng trưởng, bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Có thể nói, nền kinh tế thế giới có động lực phục hồi mạnh mẽ nhất trong những tháng đầu năm, khi các nước dần mở cửa trở lại.

Theo số liệu của tổ chức hàng đầu trên thế giới về cung cấp thông tin, phân tích thông tin IHS Markit, GDP thực tế của thế giới trong quý II-2021 vượt mức của quý IV-2019 - giai đoạn trước đại dịch để đánh dấu mốc chuyển từ giai đoạn phục hồi sang tăng trưởng trở lại. Thương mại toàn cầu cũng được đánh giá khởi sắc trở lại nhờ việc các nước nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế, chuyển sang chiến lược “sống chung an toàn” với Covid-19 thay vì đóng cửa thực hiện “Zero Covid-19”. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo, thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng 10,7% năm 2021, trái ngược với mức giảm 8% năm trước.

Đà phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới chủ yếu nhờ các đầu tàu Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Nhờ các gói kích thích kinh tế khổng lồ và tốc độ bao phủ vaccine nhanh chóng, nền kinh tế Mỹ được ví như “lò xo” bật trở lại mạnh mẽ với tăng trưởng GDP quý II-2021 cao nhất so với cùng kỳ trong 70 năm qua.

Theo báo cáo thường niên của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) có trụ sở ở London (Anh) được công bố ngày 26-12, sản lượng kinh tế thế giới sẽ lần đầu tiên đạt mốc 100.000 tỷ USD vào năm 2022 bất chấp các tác động của đại dịch Covid-19. Theo đó, CEBR dự báo, GDP toàn cầu trong năm 2022 sẽ cao hơn so với mức trước đại dịch và lần đầu tiên sẽ lên tới 100.000 tỷ USD.

Đánh giá chung cho rằng, gam màu trong bức tranh kinh tế thế giới 2021 đã tươi sáng hơn so với năm 2020. Tuy nhiên, một trong những điều mà các chuyên gia lo ngại nhất lúc này là sự không đồng đều trong tốc độ phục hồi của các nước.

Theo Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgeva, nền kinh tế thế giới đang có động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng quay lại quỹ đạo ổn định như trước đại dịch nhờ việc đẩy mạnh thích ứng an toàn với Covid-19. Để làm được điều này, người đứng đầu định chế tài chính lớn bậc nhất thế giới nêu rõ, điều quan trọng nhất vẫn là phải làm việc cùng nhau để phục hồi và định hình một thế giới hậu đại dịch tốt hơn cho tất cả mọi người. Tổng giám đốc IMF nhấn mạnh, thế giới vẫn có thể “đảm bảo được sự phục hồi mạnh mẽ hơn ở mọi nơi và định hình một thế giới hậu đại dịch tốt hơn cho tất cả mọi người, bằng cách làm việc cùng nhau”.