Thế giới năm 2021 và kỳ vọng thay đổi trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tình hình thế giới năm 2021 không có nhiều thay đổi so với năm 2020, nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết, điển hình như đại dịch COVID-19 hay biến đổi khí hậu hoặc kinh tế thế giới phục hồi chậm.

Hôm 20-12, trên trang web của G-ZERO Media đã có bài viết của tác giả Carlos Santamaria, tổng hợp các sự kiện diễn ra trên thế giới trong năm 2021 với đánh giá tổng quát rằng: Trong năm 2021, nhiều sự kiện đã không diễn ra như dự đoán và nhiều sự kiện năm tới sẽ không dự đoán được.

Mở đầu bài viết, Carlos Santamaria tự hỏi rằng: Năm 2021 có thực sự xảy ra hay chúng ta vẫn đang bị mắc kẹt vào năm 2020, khi rất nhiều thứ hầu như không thay đổi trong năm 2021? Xét trên nhiều phương diện, thế giới 365 ngày trong năm qua được các chuyên gia đánh giá là chưa thực hiện được những hứa hẹn hay cam kết của mình.

Dịp cuối năm 2021, thế giới đang bước vào một kỳ nghỉ lễ năm mới trong nỗi lo lắng về một làn sóng đại dịch mới và không chắc chắn về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với nền kinh tế và chính trị của thế giới. G-ZERO Media đã đánh giá lại những gì đã và chưa xảy ra trong năm 2021.

Các sự kiện chính trong năm 2021

Năm 2021 bắt đầu với sự kiện nền dân chủ Hoa Kỳ gặp rắc rối sâu sắc. Đầu tiên là cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol [Trụ sở Quốc hội Mỹ] vào thời điểm ông Joe Biden bắt đầu nhậm chức, và sau đó là cuộc luận tội thứ hai của ông Donald Trump có liên quan đến nó (tháng 01/2021).

Sau khi chính khách của đảng Dân chủ Joe Biden nhậm chức tổng thống hôm 20-01, ông đã tuyên bố trước thế giới rằng: “Nước Mỹ đã trở lại” (America is back), nhưng đến giờ chúng ta có thể nói với người đứng đầu Nhà Trắng rằng: “Thế giới vẫn đang chờ đợi”.

Sự chú ý trên toàn cầu nhanh chóng chuyển sang việc triển khai vắc xin COVID-19. Lúc đầu, chỉ là những mâu thuẫn nhỏ nhưng càng ngày, nó đã bộc lộ những chia rẽ sâu sắc về những vấn đề như: Hộ chiếu vaccine, nghĩa vụ đóng góp vaccine cho chương trình COVAX và mâu thuẫn giữa bằng sáng chế với chia sẻ công nghệ sản xuất vaccine.

Tình hình thế giới 2021 cho thấy, đại dịch COVID-19 vận chưa được kiểm soát và nền kinh tế thế giới phục hồi rất chậm
Tình hình thế giới 2021 cho thấy, đại dịch COVID-19 vận chưa được kiểm soát và nền kinh tế thế giới phục hồi rất chậm

Khoảng cách tiêm chủng giữa những nước giàu có và những quốc gia nghèo là điều không thể làm ngơ, chính nó đã làm cho việc một nửa dân số thế giới được tiêm vaccine chống coronavirus trong vòng chưa đầy một năm, không còn là một kỳ tích của thế giới.

Tiếp theo, chính trường Trung Đông nóng trở lại với cuộc chiến ngắn nhưng không kém khốc liệt giữa Israel và Hamas ở dải Gaza (tháng 5); hay cuộc bầu cử tổng thống ở Iran và việc ông Benjamin Netanyahu rời khỏi chiếc ghế Thủ tướng Israel sau 12 năm đầy biến động (cùng trong tháng 6-2021).

Sau đó, một loạt các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đã tập trung sự chú ý của mọi người vào vấn đề biến đổi khí hậu, chỉ vài tháng trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26.

Vào tháng 9, thế giới tỏ ra bất ngờ khi Mỹ rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan, “giúp” Taliban giành lại quyền lực hầu như chỉ trong một đêm - ngay trước lễ kỷ niệm 20 năm ngày diễn ra “Sự kiện 11-9” (năm 2001) - khi Tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda đã tiến hành một loạt 4 vụ khủng bố vào lãnh thổ Hoa Kỳ, đặc biệt nghiêm trọng là vụ 2 máy bay đâm vào Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới, khiến gần 3.000 người thiệt mạng.

Giống như năm 2020, hợp tác toàn cầu về khí hậu rất khó đạt được sự đồng thuận, điều này được cảm nhận ở Khóa họp 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA 76) (trung tuần tháng 9-2021), nhưng trở nên rõ nét hơn ở COP26 (tháng 10-2021), diễn ra tại thành phố Glasgow của Scotland.

Thực tế là ngay cả khi đối mặt với một vấn đề tồn tại dai dẳng và nguy hiểm như vậy, những người gây ô nhiễm hàng đầu trên thế giới đã không đồng ý về một thời hạn và mức độ giảm phát thải. Điều này một lần nữa cho thấy nền chính trị toàn cầu đã trở nên phân mảnh như thế nào, khiên cho sự hiện diện của G20 hay G7 cũng trở nên vô nghĩa.

Trong thời điểm điên rồ như vậy, một quá trình chuyển đổi chính trị suôn sẻ nhất trên thế giới đã diễn ra sau cuộc bầu cử Đức, với việc bà Angela Merkel trao lại quyền lực cho ông Olaf Scholz, sau 16 năm đứng đầu chính phủ Đức, đồng thời cũng là nhà lãnh đạo trên thực tế của châu Âu (ngày 26-10).

Và xuyên suốt tháng 11 đến tháng 12 cho tới khi năm mới sắp sang, thế giới vừa đang chuẩn bị lễ kỷ niệm dấu mốc 30 năm ngày Liên bang Xô viết tan rã, vừa thấp thỏm trước những đồn đoán của truyền thông phương Tây về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ý định “xâm lược Ukraine”.

Ba dự đoán không thành hiện thực trong năm 2021

Trong năm 2021, có ba vấn đề không thực sự diễn ra theo chiều hướng như nhiều chuyên gia dự đoán hồi đầu năm.

Thứ nhất, quan hệ Mỹ-Trung không trở nên tồi tệ như nhiều người lo ngại

Với việc ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã không tự chôn vùi mình vào cái hố mà ông Donald Trump đã đào sẵn trong cuộc “Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ”.

Mặc dù Washington và Bắc Kinh vẫn còn mâu thuẫn về chiến tranh thương mại, công nghệ; vấn đề Đài Loan, Biển Đông và Tân Cương; nhưng họ đã tìm thấy một số điểm chung, ví dụ như lo ngại về biến đối khí hậu hay những những vấn đề trong nước, để xoa dịu những ồn ào về một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”; đập tan những lo ngại về một cuộc “Chiến tranh nóng”, như một số tướng lĩnh đã nghỉ hưu của Hoa Kỳ, ví dụ tướng Mỹ, Đô đốc về hưu James Stavridis, cựu Tư lệnh Liên minh NATO, đã dự đoán.

Sự phát triển của các mối quan hệ xấu đi không phải là một sáng kiến vĩ đại của bất kỳ ai trong số hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc.

Ông Joe Biden bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống với những tham vọng lớn về chính sách đối ngoại, nhưng ông sớm sa lầy ở trong nước khi tranh cãi giữa các đảng viên Dân chủ về chương trình nghị sự đối nội của mình và sau đó là những bê bối trong việc rút quân khỏi Afghanistan.

Về phần mình, nhà lãnh đạo Trung Nam Hải Tập Cận Bình thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến việc củng cố hơn nữa quyền lực của mình đối với những người khổng lồ công nghệ Trung Quốc; phát triển nền kinh tế Trung Quốc và củng cố địa vị chính trị hơn là đấu đá với Biden.

Nền “Hòa bình Lạnh” có được duy trì trong năm 2022 hay không sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra bên trong mỗi quốc gia, đặc biệt nếu hai nước thực sự bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Thứ hai: Vaccine không ngăn chặn nổi đại dịch COVID-19

Năm 2021 là năm của vaccine, nhưng các mũi tiêm phòng tự nó không chấm dứt đại dịch COVID-19. Điều tốt là vaccine đã thành công trong việc giảm thiểu tử vong và các bệnh nhân nặng, nhưng tin xấu là sự phân phối không đồng đều và tỷ lệ do dự cao hơn dự kiến ​​ở một số nơi.

Ở những nơi thiếu các biện pháp phòng dịch coronavirus và không có khả năng tiếp cận với thuốc điều trị, biến thể Delta mang đến một làn sóng chết chóc hơn, điển hình là làn sóng đã tàn phá Ấn Độ trong nhiều tuần. Hiện nay, nhân loại đang hồi hộp chờ xem hiệu quả của các mũi tiêm hiện tại đối với biến chủng Omicron.

Cuối cùng: Thế giới hồi phục chậm trong đại dịch

Sự phục hồi của kinh tế thế giới đã không đạt được như kỳ vọng, chủ yếu là vì chúng ta chưa đến được giai đoạn “hậu đại dịch”, tức là coronavirus vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Thậm chí, ngay cả khi tăng trưởng kinh tế phục hồi đến mức trước đại dịch, virus vẫn tồn tại và sẽ làm rối loạn chuỗi cung ứng, đẩy giá thực phẩm, năng lượng và nhiều thứ khác lên cao.

Nhà kinh tế Mỹ Larry Summers đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về lạm phát ngay từ hồi đầu năm. Minouche Shafik của LSE cũng đã đưa ra những số liệu thống kê và phân tích về hệ quả phụ nữ phải gánh chịu gánh nặng của quá trình phục hồi đại dịch bất bình đẳng.

Tóm lại: 2021 là một năm đáng thất vọng, nhưng cũng giống như 2020, chúng ta kết thúc năm với hy vọng tươi mới hơn trong năm 2022. Năm ngoái, thế giới mong đợi sự xuất hiện của vaccine để thay đổi mọi thứ, còn năm nay, nhân loại hướng tới năm 2022 với hy vọng rằng, đợt đại dịch hiện tại có thể là làn sóng cuối cùng, để thế giới trở lại bình thường.