Thấy gì ở vụ kiện Chủ tịch phường?

ANTĐ - Không bằng lòng với quyết định ở cấp tòa sơ thẩm, bà Minh tiếp tục có đơn kháng cáo phản bác quyết định của chủ tịch phường. Thế nhưng theo phán quyết của HĐXX phúc thẩm, bị đơn và UBND phường chỉ có một cái sai duy nhất là “buông lỏng quản lý”.   

Sư nói sư phải…

Mới đây (27-2), TAND TP Hà Nội đã tiến hành phiên xét xử phúc thẩm vụ án hành chính theo đơn khởi kiện và kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của bà Bành Thị Phương Minh, trú ở tổ 13, phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Người bị khởi kiện là ông Tạ Quang Hưng – Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh do đã ban hành quyết định cưỡng chế công trình xây dựng trái phép đối với gia đình nguyên đơn.

Quá trình giải quyết vụ án cho thấy, gia đình bà Minh vốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất 204m2 tại địa chỉ nêu trên của một người họ hàng. Thời điểm nhận chuyển nhượng, trên đất có căn nhà cấp 4 với diện tích 16,5m2. Quá trình sử dụng đất, gia đình bà Minh xây dựng lại căn nhà tương tự trên nền nhà cũ và xây tường rào bao quanh. Ngày 2-5-2013, Chủ tịch UNBD phường Thượng Thanh ký quyết định số 184/QĐ-CTUBND (gọi tắt là quyết định 184) cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị đối với toàn bộ nhà ở và tường rào của gia đình bà Minh. Sau đó, ngày 8-5-2013, UBND phường  đã tiến hành cưỡng chế. Cho rằng quyết định 184 ban hành trái thẩm quyền và việc áp dụng pháp luật không đúng, bà Minh có đơn khởi kiện Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh. Trên cơ sở ấy, ngày 3-9-2013, TAND quận Long Biên đã đưa vụ án hành chính ra xét xử và tuyên bác đơn khởi kiện của bà Bành Thị Phương Minh.

Tại phiên tòa phúc thẩm vừa diễn ra, một lần nữa nguyên đơn khẳng định UBND phường Thượng Thanh đã ra quyết định và cưỡng chế sai luật đối với nhà ở hợp pháp của người dân. Trong khi đó, cấp tòa sơ thẩm lại giải quyết vụ án thiếu khách quan, thiếu công bằng và không toàn diện. Từ đó, bà Minh đề nghị TAND TP Hà Nội tuyên sửa bản án sơ thẩm để chấp nhận đơn khởi kiện, bác quyết định 184 và chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn. 

Về phía bị đơn đại diện là ông Hoàng Văn Lực - Phó chủ tịch UBND phường cùng vị cán bộ thanh tra xây dựng phường  vẫn bảo lưu quan điểm như ở phiên tòa trước. Theo hai vị này, thể thức, trình tự cũng như thẩm quyền ban hành văn bản cưỡng chế của chủ tịch phường là đúng quy định pháp luật. 

Chỉ là buông lỏng quản lý?

Tại phiên tòa phúc thẩm đã chỉ rõ nguồn gốc mảnh đất 204m2 vốn thuộc quyền sử dụng của gia đình bà Bành Thị Hậu (trú cùng phường Thượng Thanh) từ thập kỷ 70 của thế  kỷ trước. Tuy nhiên, năm 1992, bà Hậu đã bán lại cho bà Minh toàn bộ thửa đất cùng căn nhà cấp 4 trên đó với giá 5 chỉ vàng. Từ đó đến nay, gia đình bà Minh sinh sống ổn định trên phần đất này. 

Chính vì căn cứ quan trọng đó mà nguyên đơn cùng luật sư cho rằng không có cơ sở để khẳng định thửa đất của bà Minh là đất nông nghiệp đang do phường quản lý. Nói cách khác là theo Luật Đất đai, mảnh đất của gia đình bà Minh đã đủ điều kiện để được cấp “sổ đỏ”. Về nội dung này, đại diện bị đơn xác nhận nguyên thủy của mảnh đất là do UBND xã Thượng Thanh (nay là phường Thượng Thanh) giao cho bà Hậu quản lý, sử dụng, thuộc đối tượng đất “rau xanh”. Sau đó, chính quyền địa phương đã chia lại ruộng đất cho người dân, nhưng lại không thu hồi mảnh đất của gia đình bà Hậu. Bà Hậu đã chuyển quyền sử dụng cho bà Minh. Quá trình thẩm vấn và tranh luận tại tòa, nguyên đơn liên tục “quay” vị Phó Chủ tịch UBND phường về chứng cứ thể hiện việc thu hồi, bàn giao hay cách thức quản lý mảnh đất “rau xanh” của bà Hậu như thế nào, nhưng phía bị đơn không đưa ra được tài liệu gì thuyết phục.

Tranh luận về văn bản cưỡng chế, phía nguyên đơn tiếp tục phủ nhận sự đúng đắn của quyết định 184 với lý do quyết định này đã căn cứ vào biên bản vi phạm trật tự xây dựng đề ngày 18-3-2013, nhưng thực tế là thời điểm ấy, gia đình bà Minh không có bất cứ hoạt động xây dựng nào. Thế nên nguyên đơn cho rằng đối với ngôi nhà cấp 4, chính quyền phường áp dụng Luật Xây dựng để xử lý cưỡng chế là không phù hợp. 

Quá trình mở tòa, mặc dù nguyên đơn đã đưa ra nhiều chứng cứ khá thuyết phục để phản bác lại quyết định 184 của Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh, song kết thúc phiên xét xử, TAND TP Hà Nội vẫn quyết định “y án” sơ thẩm. Theo đó, tòa bác bỏ toàn bộ nội dung khởi kiện cũng như kháng cáo của nguyên đơn. Về phần tài sản bị thiệt hại nằm ngoài đối tượng bị cưỡng chế, HĐXX phúc thẩm đồng tình với cấp tòa sơ thẩm khi khẳng định do chưa định giá được nên dành quyền khởi kiện cho nguyên đơn bằng một vụ kiện khác. Sau cùng, nói về cái sai của quyết định 184 và UBND phường Thượng Thanh, tòa án nhìn nhận đó chỉ là sự buông lỏng quản lý?!