Thay đổi lối sống giúp ngăn ngừa đột quỵ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đột quỵ là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Ăn uống lành mạnh

Tiêu thụ một chế độ ăn uống nhiều chất xơ và đồ tươi sống, hạn chế muối, chất béo… có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ. Tránh những thói quen không tốt trong ăn uống làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim như ăn mặn, sử dụng nhiều thực phẩm xào, rán, quay, nướng, thịt nguội, xúc xích hay những thực phẩm đóng hộp công nghiệp. Tạo thói quen ăn sáng, ăn trưa vừa phải và ăn tối ít. Ưu tiên thực phẩm kho nhạt, luộc, hấp, nấu canh, salad, nguyên liệu nên ưu tiên các loại hạt, rau, củ, quả, cá tươi.

Để kiểm soát bệnh tật, phòng ngừa đột quỵ, người cao tuổi nên đi khám sức khỏe định kỳ

Để kiểm soát bệnh tật, phòng ngừa đột quỵ, người cao tuổi nên đi khám sức khỏe định kỳ

Tích cực vận động

Tập thể dục giúp giải tỏa stress, căng thẳng, giúp cải thiện giấc ngủ, giảm lượng cholesterol xấu, tăng tuần hoàn máu; làm giảm các yếu tố nguy cơ như béo phì, huyết áp cao, xơ vữa động mạch… Do đó, giảm nguy cơ đột quỵ não. Có thể chọn bất kỳ hoạt động thể chất nào, nhưng nhớ tập phải đều đặn hàng ngày. Tránh ngồi lâu một tư thế vì rất dễ hình thành những cục huyết khối gây tắc mạch não, mạch vành, mạch phổi. Khi ngồi máy bay, ô tô dường dài, ngồi làm việc lâu... cứ 60 phút rời khỏi vị trí, vận động ép giãn cơ thể, vươn thở, co duỗi tay chân khoảng 5 phút.

Tránh hút thuốc, hạn chế rượu bia

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Với những bệnh nhân xơ vữa động mạch, thuốc lá sẽ thúc đẩy quá trình này mạnh mẽ hơn… Đây là yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh đột quỵ. Nên tiết chế sử dụng rượu vì rượu làm tăng huyết áp, góp phần đáng kể vào đột quỵ. Ngoài ra, nồng độ cồn cao có thể nhanh chóng làm tăng huyết áp lên mức cao hơn.

Duy trì kiểm soát huyết áp, cholesterol

Huyết áp cao có thể làm hỏng động mạch. Điều này do áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao trong thời gian dài có thể gây tổn thương tim, làm hỏng thành mạch máu, gây nhiều biến chứng nguy hiểm và tạo điều kiện hình thành cục máu đông trong mạch máu não. Đây là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Do đó, cần kiểm soát huyết áp như: Kiểm tra chỉ số huyết áp thường xuyên; duy trì cân nặng hợp lý; thể dục thường xuyên; có chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ, giảm muối, hạn chế uống rượu và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ… Những người có cholesterol cao dễ bị đột quỵ vì lượng cholesterol dư thừa có thể đi đến các động mạch của cơ thể, khiến động mạch bị thu hẹp và tăng nguy cơ đột quỵ.

Quản lý tốt bệnh tiểu đường

Lượng đường cao là một trong những nguyên nhân gây ra đột quỵ. Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ huyết áp cao, cholesterol cao và béo phì… là những yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Do đó, cần kiểm tra theo dõi đường máu thường xuyên, khám sức khỏe định kỳ và thực hiện lối sống lành mạnh, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tốt bệnh.

Tránh căng thẳng, stress

Stress hay căng thẳng là phản ứng có lợi của cơ thể, để bảo vệ với những kích ứng nào đó. Tuy nhiên căng thẳng mãn tính, stress kéo dài có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Stress cũng có thể làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ như huyết áp cao, cholesterol cao, béo phì, đái tháo đường, bệnh tim… Tất cả những điều này là yếu tố nguy cơ cao của đột quỵ. Vì vậy, hãy kiểm soát tốt căng thẳng, stress nếu chúng xảy ra.

Khám sức khỏe định kỳ

Những người có nguy cơ cao bị đột quỵ cần tạo thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là khám chuyên khoa tim mạch cũng như xây dựng kế hoạch loại bỏ dần những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được (giảm rượu, bỏ thuốc lá, tăng vận động cơ thể…). Đặc biệt quan tâm đến các thông số như đường máu, mỡ máu, huyết áp… để kịp thời điều chỉnh ngay. Tránh tự ý dùng thuốc, thay đổi thuốc, điều chỉnh liều lượng và thời điểm dùng thuốc, đặc biệt thuốc huyết áp, thuốc điều chỉnh nhịp tim, mỡ máu, tiểu đường…

Thay đổi lối sống

Tránh những động tác gắng sức đột ngột như bê vật nặng, tập luyện gắng sức trong thời gian ngắn… Tốt nhất mọi động tác vận động đều cần nhẹ nhàng tăng dần và khởi động trước. Tránh để cơ thể tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, đặc biệt là người già. Sau khi tỉnh giấc chưa vội tung chăn rời khỏi giường hoặc sau uống rượu tránh đi ra đường ngay.

Chủ động thay đổi cách nhìn cuộc sống theo hướng tích cực, lạc quan và hãy luôn trân quý từng ngày được sống. Chú ý những dấu hiệu báo trước dù mơ hồ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn để xử lý kịp thời tai biến. Cách tốt nhất để phòng tránh chính là thực hành những biện pháp phòng bệnh...