Phòng tránh tương tác thuốc để tránh nguy hiểm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần lưu ý tới việc ăn, uống... bởi các loại đồ ăn, thức uống hàng ngày có thể tương tác bất lợi với thuốc điều trị hoặc cũng có thể tương tác bất lợi với các thuốc dùng cùng nhau.

Tương tác thuốc và thực phẩm

Thức ăn gây ảnh hưởng đến dược động học của thuốc: Làm thay đổi hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ; thay đổi tác dụng và độc tính thuốc. Thức ăn làm thay đổi thời gian rỗng của dạ dày, làm cản trở sự di chuyển của thuốc trong lòng ruột, làm hoạt hóa hệ thống enzyme vận chuyển thuốc qua thành ruột. Các hợp phần thức ăn như nhiều đường, giàu chất béo, nhiều muối hoặc quá chua đều cản trở sự di chuyển của khối thức ăn từ dạ dày xuống ruột. Điều đó làm ảnh hưởng không tốt đến những thuốc kém bền trong môi trường axit dịch vị, làm chậm hấp thu ở ruột non. Một số thuốc nếu dùng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sinh lý ống tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.

Một số loại thuốc có thể tương tác với thực phẩm gây ảnh hưởng đến dược động học của thuốc

Một số loại thuốc có thể tương tác với thực phẩm gây ảnh hưởng đến dược động học của thuốc

Tương tác thuốc với đồ uống

Trong mọi trường hợp nước là đồ uống thích hợp cho các loại thuốc vì nước không gây tương kỵ khi hòa tan. Nước dễ làm trôi thuốc xuống dạ dày, tránh mắc lại ở thực quản, giảm được tác dụng gây kích thích. Bên cạnh đó, nước còn làm tăng độ hòa tan thuốc hấp thu tốt hơn, làm thuốc bài xuất nhanh qua thận sẽ làm giảm độc tính, giảm tạo sỏi thận của một số thuốc. Tuy nhiên, không dùng nước hoa quả, nước khoáng kiềm, nước ngọt đóng chai có gas để uống thuốc. Bởi các loại nước này sẽ làm hỏng thuốc, làm thuốc hấp thu nhanh, đôi khi gây độc nguy hiểm. Cũng không nên dùng sữa, cà phê, chè, rượu bia để uống thuốc.

Tương tác thuốc với thuốc

Việc phối hợp thuốc trong điều trị là một thực tế không thể tránh khỏi và trong nhiều trường hợp lại rất cần thiết. Tương tác thuốc là hiện tượng xảy ra khi nhiều thuốc được sử dụng đồng thời trên người bệnh. Sự phối hợp này làm thay đổi tác dụng hoặc độc tính của một trong các thuốc đó. Trong đa số trường hợp, bác sĩ sẽ phối hợp thuốc nhằm lợi dụng tương tác thuốc theo hướng có lợi để tăng hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ hoặc để giải độc thuốc.

Một số loại tương tác thường gặp

Thuốc chống trầm cảm và ibuprofen. Thuốc chống trầm cảm loại ức chế tái hấp thụ serotonin có chọn lọc (SSRIs) như citalopram cùng thuốc giảm đau chống viêm như ibuprofen có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong, đặc biệt là chảy máu dạ dày.

Thuốc kháng khuẩn metronidazole và rượu. Metronidazole là một loại kháng sinh thường được kê đơn, đặc biệt đối với nhiễm trùng răng miệng. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không được uống rượu trong khi uống loại thuốc theo toa này.

Canxi cùng các loại thuốc khác. Người già, trẻ em là những đối tượng thường được kê đơn bổ sung canxi và vitamin D để củng cố xương và ngăn ngừa gãy xương. Mặc dù các sản phẩm này mang lại lợi ích, tuy nhiên chúng có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ một số loại thuốc khác, đặc biệt là các loại thuốc để ngăn ngừa bệnh sốt rét, một số loại kháng sinh và các loại thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp...

Sắt và trà xanh. Uống trà xanh với chất sắt có thể làm giảm sự hấp thụ khoáng chất này. Do đó, nếu dùng cả hai, cân nhắc dùng chúng vào những thời điểm riêng biệt…

Vitamin C và thuốc kháng sinh. Mùa dịch, nhiều người bổ sung thêm vitamin C để tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, khi đang sử dụng kháng sinh để điều trị, nhất là các kháng sinh thuộc nhóm betalactam như cefalosporin, ampicillin, amoxicillin… thì không nên dùng đồng thời với vitamin C hay các đồ uống có vị chua như nước bưởi, cam, chanh...

Làm thế nào tránh tương tác thuốc?

Tương tác thuốc không phải lúc nào cũng nghiêm trọng. Đôi khi chỉ cần chú ý thận trọng cũng đủ làm giảm nguy cơ (theo dõi điều trị về mặt sinh học, dùng liều thích hợp, phân bố các lần dùng thuốc, hướng dẫn người bệnh tự theo dõi khi dùng thuốc, cung cấp thông tin cho người bệnh về tự dùng thuốc...). Một vài cách xử lý tương tác thuốc thường được áp dụng như: Thay thuốc khác không có hoặc có tương tác mức độ thấp hơn; theo dõi nồng độ của một thuốc (trong các thuốc) trong huyết tương; điều chỉnh liều khi có sự tăng hoặc giảm tác dụng của một thuốc hoặc là thay đổi đường dùng của một thuốc này hay thuốc khác.