Thay đổi lối sống, giảm nguy cơ mắc bệnh tim

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Mặc dù nguy hiểm nhưng bệnh có thể phòng tránh được bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.

Ăn nhiều trái cây và rau

Các chất dinh dưỡng có trong rau xanh vô cùng phong phú. Trong đó các chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức khỏe hệ tim mạch, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim nhờ khả năng chống viêm với các mạch máu, giúp loại bỏ sự tích tụ mảng bám trong lòng động mạch. Trái cây chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào cơ thể khỏi bị hư hại (tế bào hư hại có thể dẫn đến bệnh tiểu đường và bệnh tim).

Kiểm tra sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện các vấn đề về huyết áp, cholesterol… có nguy cơ gây hại cho tim và mạch máu

Kiểm tra sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện các vấn đề về huyết áp, cholesterol… có nguy cơ gây hại cho tim và mạch máu

Bổ sung các loại thực phẩm giàu omega-3

Chất xơ, chất béo không bão hòa và axit béo omega-3 trong các loại hạt có thể giúp cơ thể giảm tình trạng viêm nhiễm, giảm cholesterol “xấu” có hại và sự tích tụ mảng bám trong mạch máu… Tất cả đều có liên quan đến bệnh tim. Chúng cũng có thể bảo vệ chống lại các cục máu đông gây đột quỵ. Tuy nhiên, không nên lạm dụng vì các loại hạt có rất nhiều calo. Các loại hạt chứa axit béo giúp giảm viêm, giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Ngoài ra, hai phần cá béo một tuần như cá hồi, cá thu, cá mòi, hoặc cá ngừ... có thể giúp tim của bạn khỏe mạnh hơn.

Cắt giảm chất béo có hại và đồ ăn ngọt

Cố gắng cắt giảm lượng chất béo này có trong các sản phẩm từ bơ, sữa, thịt… trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đây là nguyên nhân làm tăng mức độ cholesterol xấu và làm giảm cholesterol tốt. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên: bữa ăn hàng ngày chỉ nên có khoảng 1% lượng thức ăn có chứa chất béo bão hòa. Ngoài ra, những loại thực phẩm như: bơ thực vật, dầu ăn, thức ăn chiên xào và bánh ngọt cũng không tốt cho những người bị bệnh tim mạch.

Đi dạo, tập yoga

Chỉ cần 40 phút đi dạo/ngày, 3 hoặc 4 lần một tuần (hoặc 25 phút tập thể dục vừa phải như chạy bộ) có thể làm giảm huyết áp, cholesterol và trọng lượng cơ thể. Bạn không cần phải thực hiện tất cả cùng một lúc. Có thể chia nhỏ thời gian và ngay cả 10 phút mỗi lần cũng rất tốt cho trái tim. Nếu chưa quen với việc tập luyện hãy bắt đầu từ từ. Không chỉ là tập thể dục, yoga còn giúp bạn tĩnh tâm và giảm căng thẳng. Điều này có thể làm giảm nhịp tim và huyết áp… rất tốt cho tim. Nếu yoga không phải là sở thích của bạn, hãy dành thời gian cho những cách lành mạnh khác như thiền, nghe nhạc...

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới năm 2019, tử vong do bệnh tim mạch chiếm tới 39,5%. Tại Việt Nam, xu hướng tử vong do bệnh tim mạch đang ngày càng tăng, trong đó tử vong do bệnh mạch máu não chiếm tỷ lệ lớn nhất. Gánh nặng bệnh tật vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là gánh nặng về bệnh lý tim mạch và xu hướng trẻ hóa ở những người trong độ tuổi lao động.

Không ngồi lâu một chỗ

Dễ bị bệnh tim hơn nếu bạn ngồi cả ngày. Ngồi nhiều cơ thể sẽ đốt cháy ít calo hơn, có thể thay đổi cách cơ thể bạn xử lý đường và chất béo, có liên quan chặt chẽ đến bệnh tim. Cố gắng chấm dứt thời gian dài ngồi làm việc và ở nhà. Đứng lên, đi lại ít nhất một lần một giờ. Bạn không nhất thiết phải tập thể dục ở một cường độ cao, chỉ cần 30 phút đi bộ mỗi ngày cũng đã giúp điều hoà hệ tim mạch, tăng cường nhịp tim, giảm những nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Ngủ ít nhất 7 - 8 giờ một đêm

Cơ thể cần nghỉ ngơi sâu trong thời gian dài. Trong thời gian này nhịp tim và huyết áp giảm là chìa khóa cho sức khỏe của tim. Nếu thiếu ngủ, cơ thể có thể bắt đầu tạo ra các chất hóa học để ngăn những điều có lợi này. Ngủ ít hơn cũng có liên quan đến chứng viêm và lượng đường trong máu cao, có thể gây hại cho tim.

Giữ cân nặng hợp lý

Tăng cân làm tăng tỷ lệ cholesterol, huyết áp cao và đái tháo đường… Tất cả đều liên quan đến bệnh tim. Tuy nhiên, đừng dựa vào các chế độ ăn kiêng không phù hợp hoặc thực phẩm chức năng để giảm béo. Tập thể dục và ăn đúng lượng thức ăn lành mạnh là cách tốt nhất để giữ cân nặng hợp lý. Trao đổi với bác sĩ về cách đo chỉ số khối cơ thể (BMI) để tìm hiểu xem bạn có cần giảm cân không.

Không hút thuốc lá, thuốc lào

Hút thuốc dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh tim mạch cao gấp 2 - 4 lần. Đồng thời, còn làm hẹp động mạch, tăng huyết áp khiến nhiều khả năng bị đông máu, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau tim. Đặc biệt, nếu bạn hút thuốc, những người xung quanh cũng sẽ bị “hút thuốc thụ động”. Khói thuốc lá cũng có nguy cơ gây ra bệnh tim.

Tiêm phòng cúm

Các nghiên cứu cho thấy, tiêm phòng cúm có thể bảo vệ chống lại bệnh tim, đặc biệt nếu bạn hút thuốc hoặc bị huyết áp cao, đái tháo đường hoặc cholesterol cao. Một vài giả thuyết cho rằng, bệnh cúm gây ra tình trạng viêm nhiễm có thể dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ, hoặc tác dụng phụ của virus làm ảnh hưởng đến tim…

Kiểm tra sức khỏe thường xuyên

Kiểm tra sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện các vấn đề về huyết áp, cholesterol… có nguy cơ gây hại cho tim và mạch máu. Phát hiện sớm, bạn càng có thể bắt đầu điều trị chúng nhanh chóng... ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch. Việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên cũng giúp bạn phát hiện kịp thời nếu mắc bệnh đái tháo đường. Nếu bạn có bất kỳ tình trạng nào trong số này, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi lối sống và dùng thuốc để bảo vệ tim. Những bệnh tim mạch thường có liên quan đến yếu tố di truyền. Vì vậy, nếu trong gia đình có người mắc bệnh thì bạn càng cần chú ý và đi kiểm tra sức khỏe sớm.