Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII

Thắt chặt chi tiêu ngân sách Nhà nước

ANTĐ - Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, là những vấn đề được các ĐBQH tiếp tục thảo luận tại hội trường trong phiên họp sáng qua (28-10).

Nhiều ĐBQH nêu ý kiến: Cần thận trọng khi cắt giảm đầu tư công, nhất là với hạ tầng giao thông

Nhận xét về bức tranh tổng thể của nền kinh tế, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, nước ta đã nhập siêu liên tục trong nhiều năm, với mức nhập siêu rất cao, mặc dù đường lối, chủ trương của Chính phủ đều ưu tiên cho xuất khẩu và khuyến khích xuất khẩu.

So sánh trong giai đoạn 5 năm 2001 - 2005, Việt Nam nhập siêu chỉ có 19 tỷ USD, nhưng trong 5 năm 2006 - 2010, con số nhập siêu đã lên tới 63 tỷ USD, ĐB Trần Hoàng Ngân bày tỏ sự không đồng tình với kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, Việt Nam tiếp tục nhập siêu 68 tỷ USD.

Cùng chung quan điểm với ĐB Trần Hoàng Ngân, nhiều ĐBQH cho rằng, tình trạng nhập siêu sẽ kéo nợ nước ngoài gia tăng và như vậy thì tiền đâu để trả nợ, từ đó dẫn đến áp lực lên tỷ giá. Bởi lẽ, tỷ giá là yếu tố tác động nghiêm trọng đến lạm phát. Do vậy, các ĐBQH bày tỏ đồng thuận cần phải trị cho được “căn bệnh” lạm phát, mặc dù “căn bệnh” này rất lâu năm và trở thành “kinh niên”. Để trị được nó, vấn đề quan trọng nhất là trong chính sách tài khóa, cần cương quyết thắt chặt và kỷ luật sắt trong chi tiêu ngân sách Nhà nước, vì đây là tiền của dân.

Bàn về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012, nhiều ĐBQH cho rằng việc tái cơ cấu nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm đảm bảo tăng tính hiệu quả, linh hoạt và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Một trong những nội dung đó là tái cơ cấu đối với đầu tư công. Theo ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu), đứng trước tình hình nợ công và lạm phát cao, năm 2012, chúng ta cần phải điều chỉnh giảm tỷ lệ chi tiêu công và giảm tỷ trọng bố trí đầu tư ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong lâu dài và trung hạn, việc cắt giảm tỷ lệ đầu tư công cần phải cân nhắc hết sức thận trọng. Bởi lẽ, thực trạng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam rất thấp kém.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, ĐB Đào Văn Bình (TP Hà Nội) bày tỏ nhất trí với việc cắt giảm đầu tư công, nhưng chỉ nên cắt giảm danh mục đầu tư, không nên cắt giảm theo hình thức cào bằng và ưu tiên những công trình trọng điểm, còn những công trình phục vụ nông nghiệp, nông thôn cần phải cân nhắc. Giải thích vấn đề này, ĐB Đào Văn Bình cho rằng, nếu cắt giảm thì càng làm tăng thêm sự chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Các dự án chuẩn bị đầu tư cần phải để và nếu cắt giảm dự án chuẩn bị đầu tư thì đến năm 2013-2014, khi lạm phát đã giảm chúng ta sẽ không kịp triển khai các dự án, vì chưa chuẩn bị trước. Về vấn đề này, nhiều ĐBQH nêu ý kiến không nên cắt giảm các đầu tư cho hạ tầng giao thông, vì nếu cắt giảm thì nước ta sẽ tụt hậu so với thế giới.

Đối với phát triển nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn hiện nay, các ĐB Đinh Công Sỹ (Sơn La), Nguyễn Thành Lâm (Lạng Sơn), Nguyễn Thúy Anh (Phú Thọ) và nhiều ĐB khác đề nghị Chính phủ cần tăng ngân sách đầu tư để xây dựng nền nông nghiệp sạch, sản phẩm nông nghiệp chế biến tinh, có chất lượng để tăng giá trị xuất khẩu và cung cấp những sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, giảm gián tiếp những chi tiêu xã hội về y tế. Từ những vấn đề nêu trên, các ĐBQH kiến nghị Chính phủ ngay trong năm 2012 và cả giai đoạn 2012-2015, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt và tăng ngân sách đầu tư cho các chương trình giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số ít người. Đặc biệt là tăng ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng và ưu tiên cho các công trình giao thông tuyến huyện. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư nguồn lực ưu tiên cho các huyện nghèo, vùng trọng điểm và các vùng núi cao, biên giới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Quan trọng là trả nợ công ra sao?

Thắt chặt chi tiêu ngân sách Nhà nước ảnh 2

Tính đến hết ngày 31-12-2010, tỷ lệ nợ công ở Việt Nam là 57,3% và nợ nước ngoài là 42,2%. Trong kế hoạch Chính phủ trình Quốc hội, thì ước đến 31-12-2011, nợ công là 54,6% và đến hết 31-12-2012 nợ công ước tính khoảng 58,4%. Những chỉ số này tính trên cơ sở dự kiến kịch bản tăng trưởng kinh tế 6%. Nợ của Việt Nam chủ yếu là vay vốn ưu đãi và vay ODA. Chính phủ đã tính toán thay đổi cơ cấu này khi khoản ODA và ưu đãi đang giảm dần và vay thương mại đang có xu hướng tăng lên. Chính phủ đã tính toán kỹ vấn đề này, để có chiến lược, kế hoạch quản lý nợ công thích hợp trong từng giai đoạn.

Không quan trọng vay bao nhiêu, mà chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến việc trả nợ như thế nào. Chính phủ luôn nhận thức vấn đề này và làm sao để sử dụng có hiệu quả đồng vốn vay, cũng như khả năng trả nợ ra sao? Bởi thế, cùng với việc tăng cường quản lý sử dụng vốn vay, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tăng cường cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công và các chỉ số vĩ mô như GDP, dự trữ ngoại hối. Vấn đề tỷ giá được ổn định, quản lý nợ công ắt sẽ tốt hơn.