Thăng trầm làng diều nghìn tuổi

ANTĐ - Hỏi đường về làng Bá Dương Nội cùng đền thờ thần Châu Thổ, bà cụ bán nước trên bờ đê sông Hồng móm mém nhai trầu nheo mắt cười bảo tôi, cứ đi đi, lúc nào tai nghe thấy tiếng sáo vi vu, mắt nhìn thấy những cánh diều chao lượn thì đó chính là làng Bá Dương Nội. Rẽ xuống, rồi cứ thẳng cổng làng, ắt sẽ ra đến đền thờ.... 

Ông Nguyễn Hữu Kiêm với bộ sáo từng tham dự nhiều cuộc thi trong nước và thế giới

Tiệc ông Cả và Hội thi thả diều 

Đền thờ thần Châu Thổ nằm hướng mặt ra một cánh đồng rộng bao la. Đám trẻ con chạy dọc bờ thửa thả diều ríu rít cười, những nụ cười vô lo. Tiếng sáo diều trầm trầm hòa cùng hanh hao nắng và tràn ngập gió mơn man trên khắp nhành cây ngọn cỏ, tràn vào xào xạc cả những cội ngâu già giữa sân đền. Ông Nguyễn Hữu Kiêm, Chủ tịch CLB Diều sáo làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội), ngắm những con diều đang bay lượn rồi chậm rãi kể cho tôi nghe câu chuyện về quê hương ông, về làng diều nghìn tuổi, về sự thăng trầm của một thú chơi, dân dã đấy, nhưng cũng rất mực thanh tao. 

Gia phả của các dòng họ trong làng cho đến giờ vẫn còn lưu giữ câu chuyện về nghề làm diều, thú chơi diều đã có cả nghìn năm nay. Thú chơi gắn liền với câu chuyện về tướng quân Nguyễn Cả, một tướng tài của vua Đinh Tiên Hoàng. Sau khi cùng vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối, tướng Nguyễn Cả từ quan, về làng dạy dân trồng trọt, cày cấy, mở hội võ, hội vật… Những năm tháng hưởng cuộc sống điền viên, vui thú ruộng vườn, thi thoảng ông vẫn bày cho đám trẻ trong làng nhiều trò vui. Trong đó có trò chơi thả diều. Sau khi ông thác, dân làng tưởng nhớ ân đức, lập đền thờ tôn ông làm Thành hoàng làng. Hội thi diều vào ngày rằm tháng 3 âm lịch hàng năm ở làng Bá Dương Nội cũng từ đó mà hình thành gắn với lễ tế ông Cả. Đây là lễ hội thả diều lớn nhất ở miền Bắc vẫn được gìn giữ cho đến tận ngày nay.  

Để có một con diều ưng ý, góp mặt trong hội thi vào tháng 3 âm lịch, người chơi diều đã phải bắt tay vào chuẩn bị từ khoảng 8 tháng trước đó, tức là khoảng đầu tháng 8 âm lịch. Sở dĩ, phải mất đến gần năm mới hoàn thành một con diều là bởi phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn “xương” diều, “xương” diều chủ yếu được làm bằng tre, nhưng không phải giống tre nào cũng được mà buộc phải chọn được loại tre già, tre gai mọc ở đồng bằng. Loại tre nhỏ, đặc này cho diều bộ khung cứng nhưng lại rất dẻo dai, nhẹ mà bền chắc. Thêm một công đoạn kỳ công khác là chọn giấy diều. Giấy làm diều xưa đa phần là giấy dó, dán bằng nhựa của quả cậy. Việc chế ra nhựa dán giấy diều cũng phải cực kỳ công phu. Quả cậy đem giã nhỏ, hòa với nước, chắt bỏ bã, khi đó cho ra loại nước sền sệt như nước vo gạo, lấy thứ này phết lên giấy bản rồi để khô, khi đó giấy chuyển sang màu nâu, cứng và không thấm nước. 

Công đoạn làm khung diều và giấy kỳ công bao nhiêu thì việc làm được một bộ dây diều cũng vất vả bấy nhiêu. Đôi khi, nó được ví như cả một nghệ thuật. Xưa khi chưa có dây dù, dây nilon như bây giờ, người dân làng Bá Dương Nội làm dây diều từ… tre. Tre để làm diều thường là những cây non, thân vẫn còn lớp phấn trắng. Loại tre này thường có vào khoảng tháng 3 âm lịch. Tre chặt về, đem chẻ thành sợi mỏng rồi cho vào luộc với muối bỏ lẫn trong nước một ít hạt thầu dầu. Rồi cứ thế liu riu lửa đun chừng 6-8 tiếng thì vớt ra, nối lại với nhau. Loại dây diều này dẻo và dai khi gặp gió dây căng và nhẹ. Thú chơi diều giờ hiện đại và thực dụng. Chất liệu mới dần được thay thế. 

Sự tích làng Bá Dương Nội gắn với hội thi diều sử sách ghi rành mạch, nhưng còn việc vì sao diều ra đời và ai là người phát minh ra bộ sáo với tiếng kêu trầm mặc đó thì lại là câu hỏi không dễ trả lời. 

Truyền thuyết vốn vẫn là chuyện hư hư thực thực, nhưng sự thật rõ ràng nhất là, trên thế giới, loại diều sáo của Việt Nam được xếp hạng đặc biệt, không “đụng hàng” với bất cứ quốc gia nào khác. Mấy năm liên tiếp, diều sáo Việt Nam được đại diện tham dự các cuộc thi diều lớn trên thế giới. Khi con diều Việt Nam bay cao trên bầu trời, khi tiếng sáo âm vang hòa vào cùng mỗi cánh gió đều khiến cho bạn bè quốc tế từ ngạc nhiên chuyển dần sang khâm phục. Bởi lẽ trên thế giới, không đâu có tiếng sáo kỳ lạ, âm vang và uyển chuyển nhường vậy.

Bay lên cánh diều đất Việt

Ông Nguyễn Hữu Kiêm cho biết, để làm một con diều đạt chuẩn đã khó, nhưng để làm được bộ sáo đạt chuẩn còn khó gấp trăm gấp nghìn lần. Dân chơi diều sáo lâu nay vẫn có câu rằng: “Người chơi diều cả đời không có bộ sáo hay” là vì thế. Nói rồi, ông khoe với tôi bộ sáo diều đã từng theo ông tham gia các cuộc thi lớn trên thế giới như ở Hạ Môn, Trung Quốc năm 2011, gần đây nhất là đầu năm 2013 tại Pháp.

Ông Kiêm kể, công đoạn đầu tiên để làm một bộ sáo phải kể đến nguyên liệu. Đó phải là loại tre già, tre chết sóc thì càng tốt. Chỉ có tre già mới chắc mới bền và cho tiếng sáo hay. Hai mặt sáo thường được bít bằng gỗ vàng tâm (nếu không, có thể thay bằng gỗ dổi hoặc gỗ mít) như thế mới cho tiếng sáo cao. Ngay cả những nghệ nhân nức tiếng làng diều cũng không nhiều người có được bộ sáo “để đời”. Người làm sáo diều, ngoài các kỹ thuật chế tác còn phụ thuộc vào kỹ thuật âm thanh, thẩm âm. Vì thế, những người tinh tường về nghề chơi đều có thể nhận ra tay người làm sáo mỗi khi diều được thả lên. 

Năm nào cũng thế, cứ ngày rằm tháng 3 âm lịch hàng năm, hội diều lại mở tại sân đền thờ thần Châu Thổ. Ngôi đền có thờ một cánh diều thần, trên thân diều ghi một bài thơ : Bồng bềnh lướt sóng trời mây. Dây trường công đức sáo say thiên thần/ Ơn sâu nghĩa nặng tình dân. Bốn phương hội tụ sắc xuân hội diều. Mỗi năm có hàng trăm người chơi diều trong làng và cả vùng lân cận mang diều tới dự thi. Rồi gần đây, tiếng lành đồn xa, nhiều tỉnh thành trong toàn quốc cũng về Bá Dương Nội góp vui cùng hội diều. 

Đối với những con người ở làng Bá Dương Nội, chơi diều, thả diều đã trở thành một thói quen, một thú chơi không thể thiếu, và trên hết nó còn là một nét văn hóa ngàn đời. Cứ thế đời cha cho đến đời con, họ thay nhau giữ gìn, bảo lưu những giá trị văn hoá của quê hương. Câu chuyện sự tích cánh diều làng Bá Dương Nội dẫu chỉ là huyền thoại, nhưng quan trọng hơn cả mỗi cánh diều chính là khát vọng về một cuộc sống bình yên nơi làng quê bên bờ sông Mẹ - sông Hồng.