Tháng 11-2013, dân số Việt Nam là 90 triệu người

ANTĐ - Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) cho biết, vào tháng 11 tới đây, dân số Việt Nam sẽ chính thức cán mốc 90 triệu người. Vấn đề đáng lo ngại là tốc độ “già hóa” dân số đang diễn ra quá nhanh.

Tốc độ tăng dân số và tốc độ già hóa nhanh sẽ để lại hệ lụy nặng nề cho xã hội

Tránh được 18 triệu người sinh ra

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số do Bộ Y tế tổ chức ngày 24-9, TS. Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục  DS-KHHGĐ cho biết, nhờ làm tốt công tác giảm sinh nên tỷ lệ cũng như số lượng trẻ em sinh ra đã giảm rõ rệt. Những con số thống kê cho thấy, ước tính trong 20 năm qua, Việt Nam đã tránh sinh được 18 triệu trường hợp. Nếu như năm 2002, quy mô dân số Việt Nam là 79,54 triệu người, năm 2010 là 86,93 triệu người thì đến tháng 11 tới đây, dân số nước ta sẽ cán mốc 90 triệu người, bình quân mỗi năm tăng thêm gần 1 triệu người. 

Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh, sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh dân số, bức tranh dân số nước ta hiện nay đã có nhiều thay đổi căn bản. Dù quy mô dân số vẫn tiếp tục phình to, song với mức sinh giảm rõ rệt, cơ bản đã đạt mức sinh thay thế, đến năm 2015, quy mô dân số Việt Nam sẽ không vượt quá 93 triệu người. Với quy mô dân số hiện tại, Việt Nam là nước đông dân thứ 13 trên thế giới và cũng nằm trong nhóm các nước có mật độ dân số cao nhất thế giới…

Tốc độ già hóa quá nhanh

Hiện tại, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên ở nước ta đang ở nhóm cao nhất thế giới và dự kiến sẽ chạm ngưỡng 10% tổng dân số vào năm 2017 (ngưỡng thể hiện cơ cấu dân số già). Tuy mới bước vào giai đoạn cơ cấu dân số “vàng” cách đây vài năm, song theo đánh giá của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam đang bước vào giai đoạn cơ cấu “già hóa” với tốc độ quá nhanh, có thể sẽ ngắn hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. TS. Dương Quốc Trọng cho biết, nếu như quãng thời gian để chuyển đổi từ giai đoạn “già hóa” của Pháp là 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Mỹ 69 năm, Nhật Bản và Trung Quốc 26 năm… thì giai đoạn chuyển đổi này của Việt Nam được dự báo chỉ kéo dài 17 năm. Từ năm 2017, khi Việt Nam là nước có dân số già, đến năm 2037, tỷ trọng người từ 60 tuổi trở lên ở nước ta sẽ tiếp tục tăng nhanh, dự báo lớn hơn hoặc bằng 20% tổng dân số. 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, chính sách dân số phải từng bước được điều chỉnh theo hướng bao quát, toàn diện hơn, chú trọng nâng cao chất lượng dân số thích ứng với những biến đổi về cơ cấu dân số. Những vấn đề tồn tại như chất lượng dân số thấp, mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt là tốc độ “già hóa” dân số nhanh… nếu không sớm có biện pháp giải quyết ngay từ bây giờ chắc chắn sẽ để lại những hệ lụy rất nặng nề về kinh tế xã hội  trong vài năm tới. 

Hiện tại, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo dự án Luật Dân số để thay thế Pháp lệnh dân số đã bộc lộ nhiều hạn chế, lỗi thời. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đề nghị Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Dân số và các văn bản hướng dẫn trình các cấp có thẩm quyền ban hành, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về DS-KHHGĐ đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu quản lý và giải quyết các vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn.