Thận trọng mỹ phẩm tế bào gốc

ANTĐ - Thời gian gần đây, nhiều chị em phụ nữ “phát sốt” về công dụng của dòng sản phẩm chăm sóc sắc đẹp xuất hiện trên thị trường được quảng cáo ứng dụng công nghệ từ tế bào gốc làm giảm nếp nhăn trên da, mờ vết thâm do sẹo, vết nám và giảm sự xuất hiện các dấu hiệu lão hóa da.

Quảng cáo hay nhưng...

Tranh thủ ngày cuối tuần, tôi cùng một người bạn quyết định đi spa. Trong lúc chờ đến lượt, tôi được một chị khách hàng ngồi cạnh rỉ tai: “Em dùng thử mỹ phẩm tế bào gốc bao giờ chưa. Chị nghe mấy cô làm cùng cơ quan kháo nhau nó có tác dụng trẻ hóa da, được làm từ tế bào gốc của con người nên đang tìm mua về dùng”. Tò mò, tôi đã lên mạng tìm kiếm và có khá nhiều thông tin trái chiều về loại mỹ phẩm này.

Trên trang webtretho, mẹtuti chia sẻ: “Tháng trước, em đi làm tóc ở một cửa hàng trên đường Nguyên Hồng, cô nhân viên chê da em xấu, lỗ chân lông to nên giới thiệu mỹ phẩm tế bào gốc. Do người bán giới thiệu sản phẩm khá hấp dẫn, nên em đã mua về dùng thử. Nhưng dùng được một tháng nám vẫn hoàn nám. Thậm chí, trong lúc bôi làn da chẳng thấy mịn màng sáng sủa mà còn nổi khá nhiều mụn”. Trong khi đó, nhiều người cho rằng phải dùng liên tục ít nhất từ 2-3 tháng mới có tác dụng nhưng vì giá thành khá cao nên nhiều chị em tỏ ra băn khoăn. 

Theo gợi ý của một số thành viên, tôi đã vào một số trang rao bán những sản phẩm này. Trên các trang web hiện ra hàng loạt sản phẩm có công dụng liên quan đến việc cải thiện sắc đẹp cho làn da của phụ nữ. Theo đó, tùy thuộc vào tác dụng của từng sản phẩm mà giá thành của chúng cũng khác nhau. Chẳng hạn như loại kem có giá 795.000 đồng/hộp, mỗi hộp 14 tuýp, mỗi tuýp có khối lượng 1ml.

Tuy nhiên, mỗi tuýp kem này chỉ được sử dụng trong vòng 24h và sau khi mở ra phải được bảo quản trong tủ lạnh. Và để kem có hiệu quả nên sử dụng đều đặn ít nhất từ 2-3 tháng. Điều này có nghĩa người dùng sẽ phải chi gần 10 triệu đồng để có được một làn da như ý. Tuy nhiên, sản phẩm đắt nhất có giá 2.500.000 đồng/hộp và đây được coi là sản phẩm tiêu biểu cho sự tiến bộ vượt trội trong việc làm mờ các nếp nhăn... Điều đặc biệt là tất cả các sản phẩm này đều được nhà sản xuất quảng cáo: “Được làm từ tế bào gốc màng dây rốn”. 

Hiện nay, tại nhiều siêu thị “mini” chuyên bán mỹ phẩm, những dòng sản phẩm được quảng cáo tinh chế từ tế bào gốc có giá khá khác biệt từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/bộ, tùy loại, từ dạng ống tuýp, dạng kem, đến viên nén... Lý giải về sự khác biệt này, một chủ cửa hàng bán mỹ phẩm trên phố Hàng Cá, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Tùy thuộc vào tình trạng da mặt của từng người. Nếu để điều trị sẹo hay tàn nhang thì phải dùng loại đặc trị, với giá bán phải vài triệu đồng/bộ sử dụng mới có hiệu quả… Còn nếu muốn cải thiện làn da thì chỉ loại kem dưỡng là ổn”. Được biết, tại một số spa ở Hà Nội cũng sử dụng loại kem này để làm đẹp cho khách hàng.

Hiện trên thị trường có hai dạng “mỹ phẩm tế bào gốc” được cho là chiết xuất từ động vật và thực vật. Các sản phẩm này có xuất xứ từ nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc... thậm chí Việt Nam. Ngoài những sản phẩm được nhà sản xuất quảng cáo làm từ tế bào gốc màng dây rốn thì các dòng sản phẩm khác lại được làm từ tế bào gốc nhân sâm, nha đam, trà xanh, phôi thai cừu... Tuy nhiên, công dụng của nó đến đâu thì chưa có nhà chuyên môn nào thẩm định cụ thể, mà chỉ do nhà sản xuất tự công bố. 

Có thể gây phản ứng phụ 

Tại hội thảo khoa học “Tế bào gốc thực vật: công nghệ, hiệu quả và triển vọng ứng dụng trong dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm” do một đơn vị quản lý phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm tổ chức vào tháng 2-2012, thì dường như sản phẩm được cho là mỹ phẩm tế bào gốc được chị em phụ nữ “săn lùng” ngày càng nhiều và các nhà sản xuất cũng tìm cách tiếp cận thị trường mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, tại hội thảo, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam - Trưởng ban điều phối nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Nhà nước về tế bào gốc - Bộ KH&CN khẳng định vấn đề nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc thực vật vào các lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm là vấn đề rất mới mẻ, chưa được đề cập tại Việt Nam. 

Mặc dù, tế bào gốc hứa hẹn nhiều tiềm năng cho những nghiên cứu vì sức khỏe con người, song, theo nhiều nhà nghiên cứu nó có những bất hợp lý trong việc đưa tế bào gốc vào mỹ phẩm. Bởi, việc thu thập, phân tích, xử lý tách tế bào gốc, rồi bảo quản, nuôi cấy thích hợp (từ thành phần nuôi dưỡng lẫn điều kiện nhiệt độ âm) là những việc phức tạp mang tính chất chuyên nghiệp, không phải đơn vị nào cũng thực hiện được.

“Nhiều loại mỹ phẩm tế bào gốc được quảng cáo với thành phần acid hyaluronic, collagen… được lấy từ màng dây rốn thai nhi sau khi sinh và dịch tiết nuôi cấy tế bào gốc được dùng làm mỹ phẩm, nhưng thực ra cũng chỉ chứa các loại enzyme và peptide quen thuộc đã được thay tên đổi họ. Một số loại mỹ phẩm được giới thiệu là sản xuất theo “ứng dụng công nghệ tế bào gốc”, nhưng trên thực tế không có tế bào gốc trong thành phẩm mà chỉ chứa các yếu tố nuôi dưỡng, phát triển tế bào thông qua các dịch nuôi, chỉ có thể tạo lớp sừng cho da đóng vai trò rào cản, giúp bảo vệ da và cơ thể khỏi các tác động xấu của môi trường, không có khả năng điều trị. Tế bào gốc hay các sản phẩm liên quan khi đã trộn chung với mỹ phẩm sẽ không còn tác dụng, thậm chí còn có thể gây nên những phản ứng phụ cho da. Vì vậy, người tiêu dùng nên thận trọng trước khi sử dụng...”, bà Nguyễn Thanh Nga, một người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nghiên cứu về dược phẩm đưa ra khuyến cáo.

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế khẳng định, hiện các cơ quan chức năng không cấp phép lưu hành mỹ phẩm tế bào gốc do quy định tất cả các thành phần, sản phẩm có nguồn gốc từ những hệ, cơ quan của con người không được phép sử dụng trong mỹ phẩm. Cho đến thời điểm này, vẫn chưa thể biết tế bào gốc có đem lại vẻ đẹp vĩnh cửu cho làn da hay không. Song, chị Nguyễn Thu Hương, ở phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, sau khi sử dụng loại kem này trong 3 tháng thì cho rằng, nó cũng không có gì đặc biệt so với những loại kem thông thường, có chăng là giá của nó không hề rẻ chút nào...