Thận trọng mỗi bước đi

ANTĐ - Chỉ trong vòng một tháng, Ngân hàng Nhà nước công bố cắt giảm trần lãi suất huy động thêm 1%, tức là hạ lãi suất tới 2%. Đây có phải là thời điểm “chín muồi” để giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ đã được thắt chặt từ năm ngoái. Động thái này có thể góp phần hạ thấp chi phí vốn cho nền kinh tế, vậy còn lạm phát từ nay đến cuối năm?

Một quyết định quan trọng, tất nhiên phải được cân nhắc thận trọng, song vẫn gây bất ngờ, bởi tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng tuyên bố lãi suất chỉ được cắt giảm 1% mỗi quý. Một số chuyên gia phân tích ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam phán đoán, chính sách cắt giảm lãi suất này là hệ quả của mức tăng trưởng GDP trong quý I-2012 thấp hơn so với dự đoán và thấp nhất từ năm 2009 đến nay. Điều này dẫn đến tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Lạm phát giảm chắc chắn là yếu tố ảnh hưởng đến quyết định này.

Thế nhưng, trả lời báo chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lại khẳng định động thái cắt giảm lãi suất không có gì bất ngờ, ngược lại đây là thời điểm đã chín muồi. Lý do là, diễn biến kinh tế vĩ mô từ đầu năm đến nay khá khả quan. Lạm phát được chặn đứng và nhiều khả năng đạt mục tiêu đề ra. Tỷ giá ổn định, cán cân thanh toán đang dần cân đối. Kinh tế thế giới cũng đang có những dấu hiệu chuyển biến tích cực, góp phần khôi phục lòng tin của giới đầu tư.

Tuy vậy nổi cộm nhất là tình hình sản xuất kinh doanh hết sức khó khăn, đình đốn và trì trệ, bởi thế Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhận thấy, bên cạnh việc kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì từng bước phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Việc đầu tiên là phải góp phần giảm tải chi phí vốn, thúc đẩy tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 6% trong năm nay. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng tỏ ra lạc quan về tình hình nội tại của hệ thống ngân hàng để làm căn cứ hạ lãi suất. Cụ thể tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng đang được cải thiện. Lãi suất thị trường liên ngân hàng trong xu hướng ổn định và thấp. Lý giải về lo ngại tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay giảm rất mạnh, có tháng bị âm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, loại trừ yếu tố tăng tín dụng “ảo”, tốc độ tăng tín dụng có giảm so với các năm trước, nhưng chưa đến mức phải quá lo lắng. Như vậy đợt giảm lãi suất này không thực sự bất ngờ vì đã nằm trong định hướng điều hành và tính toán chắc chắn của Ngân hàng Nhà nước. Trả lời câu hỏi đợt cắt giảm lãi suất “mạnh tay” này có tác động lớn đến lạm phát hay không, một số chuyên gia tài chính ngân hàng nhận xét không tác động nhiều đến lạm phát, bởi lẽ giảm lãi suất về cơ bản là hỗ trợ các doanh nghiệp; kích thích nhu cầu vay của doanh nghiệp và người dân, kích thích sản xuất kinh doanh.

Mọi chính sách triển khai thường có độ trễ nhất định, khoảng 3-4 tháng sau khi lãi suất được tung ra, lúc đó mới tạo ra áp lực cho lạm phát. Để giảm sức ép này, chuyên gia của Ngân hàng ANZ và HSBC khuyến cáo, nên giữ nguyên lãi suất trong quý II để “nghe ngóng”, đánh giá ảnh hưởng tác động. Tức là, mỗi bước đi phải thận trọng, quan sát kỹ mọi biến động để tùy cơ ứng biến.