Than ôi, Bảo hiểm y tế!

ANTĐ - Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện mới có hơn 66% dân số Việt Nam tham gia BHYT. Dù được tuyên truyền vận động nhưng nhiều bộ phận người dân vẫn không mặn mà với BHYT bởi thái độ của thầy thuốc và những thủ tục rườm rà khi đi khám chữa bệnh theo bảo hiểm. 

Sau 4 năm thực hiện luật, đã có thêm 8,6% dân số tham gia BHYT, tương đương 9,24 triệu người. Tuy nhiên, nhóm đối tượng đóng BHYT chủ yếu là cán bộ công chức, trẻ em dưới sáu tuổi, người có công với cách mạng, người hưu trí, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội… được ngân sách Nhà nước chi trả hoặc hỗ trợ. Trong khi đó, các đối tượng có khả năng tài chính, đủ điều kiện bắt buộc tham gia BHYT còn thấp, mới đạt 28%. Hầu hết người mua BHYT là cá nhân không theo hộ gia đình, đa phần là người đã có tiền sử về bệnh tật, ốm đau, người mắc bệnh hiểm nghèo, muốn mua BHYT để có điều kiện đi khám, chữa bệnh. 

Bên cạnh việc người tham gia chưa hiểu đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện thì việc người bệnh có BHYT phải đóng thêm một số khoản chi ngoài quyền lợi hưởng BHYT, hay phải làm lại các xét nghiệm chẩn đoán khi chuyển tuyến điều trị, một số thuốc đặc trị vẫn chưa được đảm bảo vừa gây tốn kém cho bệnh nhân, vừa lãng phí quỹ BHYT. Người bệnh vẫn luôn phàn nàn về thủ tục rườm rà khi đi khám, phải chờ đợi quá lâu.

Theo khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Chiến lược và chính sách - Bộ Y tế, người dân đi khám bệnh bằng thẻ BHYT phải chờ đợi khoảng thời gian từ 5-7 tiếng, cá biệt có những người phải chờ đợi cả ngày trời mới đến lượt khám. Còn khi người dân có thẻ BHYT khi muốn vượt tuyến lên tuyến trên để khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc xin giấy chuyển viện. Theo quy định của nhiều bệnh viện, nếu người dân đăng ký khám ban đầu tại cơ sở y tế xã phường, khi muốn lên tuyến Trung ương khám bệnh họ phải xin giấy chuyển viện từ ở trung tâm y tế huyện hoặc bệnh viện đa khoa huyện, rồi bệnh viện đa khoa tỉnh. Chữa bệnh theo bảo hiểm còn mất nhiều chi phí gián tiếp như: phong bì, dịch vụ y tế kỹ thuật cao, thuốc đặc trị. Cùng với đó, những hạn chế về chuyên môn, thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm và ứng xử của cán bộ, nhân viên y tế tại một số bệnh viện công, đặc biệt những vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong ngành y tế gần đây đã làm giảm lòng tin của người bệnh, tăng bức xúc trong dư luận xã hội, dẫn tới người dân không tha thiết với BHYT. 

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thừa nhận, hiện đang tồn tại sự bất bình đẳng, phải nói là phản cảm giữa người khám chữa bệnh bằng túi tiền và khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Tại các bệnh viện công đã hình thành khu vực KCB theo yêu cầu, dành 5 - 10% số giường làm dịch vụ để thu phí cao. Bệnh nhân do quỹ BHYT chi trả tiền giường chỉ 30.000-100.000 đồng/ngày, nhưng phòng dịch vụ có loại đến 1 triệu đồng/ngày. Khám bệnh theo BHYT có giá 30.000 đồng/lần, còn khám dịch vụ giá 600.000 đồng/lần. Bệnh nhân BHYT phải nằm 2-3 người/giường và bệnh nhân khám chữa bệnh theo yêu cầu được nằm một mình một phòng có đầy đủ tiện nghi điều hòa, nóng lạnh.  Điều này khiến người bệnh cho rằng chất lượng khám chữa bệnh theo BHYT chưa đảm bảo, nặng quan điểm BHYT là dành cho người nghèo.

Tính công khai minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế, y đức và sự lạm dụng của cán bộ y tế chưa được thanh tra, kiểm tra kịp thời. Theo kết quả giám định của Bảo hiểm xã hội cho thấy vẫn có tình trạng lạm dụng cả phía cán bộ y tế và người có thẻ. Người có thẻ cho mượn thẻ, đi khám nhiều nơi trong ngày (nhất là các bệnh mạn tính), cho thuê thẻ và thuê người bị bệnh mạn tính đi khám để lấy thuốc gây khó khăn cho quản lý, dẫn tới bội chi.

Những tồn tại trong khám, chữa bệnh theo BHYT rõ ràng đang khiến người đóng bảo hiểm ngán ngẩm, làm cho BHYT gặp khó khăn trong việc mở rộng độ bao phủ.