Thần bí truyền thuyết từ mối tình... loạn luân

ANTĐ - Từ bao đời nay, nhờ vào truyền thuyết mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống, cộng đồng các buôn làng Ê Đê ở thị trấn Ea Pốk, huyện Chư Mgar’ (Đắc Lắc) đã bảo tồn vẹn nguyên khu rừng Chư H’Lăm.
 

 Già làng Y Ruê M’lô, kể truyền thuyết về rừng thiêng Chư H’Lăm

Trong khi nhiều cánh rừng tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn đã và đang bị lâm tặc tấn công dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, thì ngay sát trung tâm thị trấn Ea Pốk, nơi chỉ cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 13 km tồn tại một khu rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ to đến độ dăm bảy người nối vòng tay ôm không suể. Mỗi khi có dịp lưu thông trên Tỉnh lộ 8, ngang qua khu rừng Chư H’Lăm quanh năm xanh mướt, được hưởng không khí trong lành, mát mẻ, mọi người đều hiểu giá trị lớn lao về môi trường và môi sinh của rừng tự nhiên.

Anh Bùi Ngọc Thanh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Ea Pốk cho biết: Khu rừng nguyên sinh Chư H’Lăm hình thành từ xa xưa, với diện tích 19 ha, ôm trọn núi Chư H’Lăm. Dưới chân núi, sát ngay bìa rừng là nơi định canh, định cư của hơn 15 nghìn người dân của thị trấn Ea Pốk. Nhưng đã trải qua hàng trăm năm nay, rừng Chư H’Lăm được bà con bảo vệ vẹn nguyên. Ở đây không có tình trrạng khai thác gỗ, săn bắt chim thú, phá rừng làm nương rẫy. Bà con chỉ vào rừng tìm cây thuốc nam, và tận thu những cành, thân cây gỗ bị đổ gãy về làm củi.

Sở dĩ khu rừng Chư H’Lăm không bị tàn phá, là do bà con lưu truyền qua nhiều thế hệ câu chuyện truyền thuyết thần bí xung quanh sự hình thành khu rừng. Bên cạnh đó, đồng bào Kinh cũng như Ê Đê, Gia Rai định cư dưới chân núi Chư H’Lăm đã thấy tác dụng rất lớn của rừng Chư H’Lăm trong bảo đảm môi sinh, giữ mực nước ngầm, mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống. Nhờ khu rừng Chư H’Lăm được bảo vệ mà khí hậu các thôn làng ở thị trấn Ea Pốk quanh năm mát mẻ, chưa từng xảy ra lũ lụt và hạn hán. Ngay cả thời điểm Tây Nguyên trong cơn đại hạn vào mùa khô năm 2004, các giếng nước sinh hoạt và hồ thuỷ lợi dưới chân núi Chư H’Lăm cũng không bị cạn kiệt nước.

 Hồ Chư H’lăm nằm sát bên núi Chư H’Lăm

Trong căn nhà sàn truyền thống của đồng bào Ê Đê ở buôn Mấp, già làng Y Ruê Mlô đã kể cho chúng tôi nghe truyền thuyết về rừng thiêng Chư H’Lăm. Câu chuyện này đã được lưu truyền lại từ đời tổ tiên ông bà. Khi buôn Chư H’Lăm, buôn Mấp và các buôn làng khác hình thành đã đó truyền thuyết về rừng Chư H’Lăm. Và cứ người già kể cho con trẻ, đời trước truyền lại cho đời sau, truyền thuyết đã trở thành “bí quyết” để bà con giữ rừng thiêng Chư H’Lăm như giữ báu vật.

Chuyện kể rằng: Từ ngày xửa, ngày xưa, ở một buôn làng của dòng họ Niê của người Ê Đê có đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết. Nhưng tình yêu của họ thật ngang trái bởi tình yêu ấy lại nảy sinh giữa hai anh em ruột trong cùng một nhà. Biết chuyện loạn luân của đôi trai gái, buôn làng đã trừng phạt theo luật tục của đồng bào Ê Đê. Buộc gia đình đôi trai gái phải thịt một con trâu trắng để cúng thần linh. Vì nhà nghèo, không đủ tiền mua trâu trắng, hội đồng già làng đã thương cảm và cho phép đôi trai gái ấy thay lễ vật trâu trắng bằng một con heo trắng.

Khi con heo trắng đã được lũ làng mổ bụng, thui và đang đặt trong mâm lễ, đúng lúc già làng thực hiện nghi thức cúng thần linh thì con heo trắng trong mâm lễ vật đột nhiên sống lại. Con heo hét ầm lên, nó chạy như tên bắn một vòng quanh làng. Con heo chạy đến đâu, đất dưới chân nó nứt toác ra đến đó, vết nứt mỗi ngày một rộng ra, đất sụt suống. Rồi nhà cửa, vườn tược, người và vật cả buôn làng nọ chìm nghỉm xuống lòng đất. Đật sụt xuống đến đâu, nước ào ào dâng lên đến đó và hình thành hồ Chư H’Lăm.

Trong khi đó, vùng đất kế bên hồ lại dần nhô cao, phình ra và tạo nên núi Chư H’Lăm. Theo năm tháng, cây trên núi Chư H’Lăm cứ ken dày, vươn cao để hình thành khu rừng nguyên sinh Chư H’Lăm bây giờ. Kể từ đó, hồ Chư H’Lăm và Núi Chư H’Lăm cứ kề sát bên nhau, tựa vào nhau để tồn tại vĩnh hằng, tạo nên cảnh “sơn thủy hữu tình”. Theo tiếng Ê Đê, Chư có nghĩa là “núi”; H’Lăm nghĩa là loạn luân; Chư H’Lăm được hiểu là ngọn núi hình thành từ mối tình loạn luân của hai anh em nhà nọ.

 Bà con các buôn làng dưới chân núi Chư H’Lăm vào rừng tận thu cành cây gãy đổ về làm củi

Kèm theo truyền thuyết về sự hình thành khu rừng Chư H’Lăm, bà con các buôn làng Ê Đê ở thị trấn Ea Pốk còn rỉ tai nhau: Rừng Chư H’Lăm linh thiêng lắm. Rừng ấy được hình thành lên từ sự trừng phạt của thần linh đối với một buôn làng có đôi trai gái loạn luân. Vì thế, nếu ai lỡ tay chặt một cây gỗ về dựng nhà, thì nhà sẽ bị hoả hoạn. Ai vào rừng săn bắt chim thú, sẽ bị thần rừng giữ lại, khiến đôi chân cứ quanh quẩn mãi trong rừng mà không thể thoát ra.

Chúng tôi cùng già làng Y Ruê M’lô và anh Ksơr Sét, bí thư chi bộ buôn Mấp lội rừng Chư H’Lăm. Quả thực khu rừng được bà con quanh vùng bảo vệ khá nguyên vẹn, nhiều cây gỗ quý cao hàng chục mét, thân to đến độ nối vòng tay của dăm, ba người ôm không suể. Đi sâu vào giữa đỉnh đồi, chúng tôi thấy có một vùng đất trũng sâu xuống, rất có thể đây là miệng núi lửa.

Và sự phun trào của núi lửa này đã hình thành lên hồ Chư H’Lăm và núi rừng Chư H’Lăm. Để rồi, dựa trên sự kiến tạo ấy, đồng bào Ê Đê từ xa xưa sinh sống dưới chân núi Chư H’Lăm này đã sử dụng sức tưởng tượng phong phú của mình để dệt cùng với câu chuyện tình trái ngang giữa hai anh em ruột nhà nọ. Và cũng từ đó gắn cho rừng Chư H’Lăm một hồn cốt linh thiêng nhằm mục đích bảo vệ khu rừng này một cách hữu hiệu-bảo vệ rừng bằng văn hoá.

 Gỗ cổ thụ trong rừng Chư H’Lăm

Kết quả nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Tây Nguyên cho thấy, về hệ thực vật rừng Chư H’Lăm hiện có 112 loài cây, với trữ lượng gỗ đạt 400m3/ha, trong đó gỗ quý (cẩm lai, cà te, hương, gõ...) chiếm 13%, 71% số cây gỗ thuộc loại cổ thụ với đường kính hơn 50cm; nhiều loại cây có giá trị dược liệu cao. Về động vật sống trong trong rừng Chư H’Lăm cũng khá phong phú, nhất là chim, thú nhỏ và loài bò sát. Tháng 9-2009, trên cơ sở xác định được giá trị to lớn nhiều mặt của rừng nguyên sinh Chư H’Lăm, UBND tỉnh Đắc Lắc đã ban hành quyết định công nhận Chư H’Lăm là “Di tích danh lam thắng canh” cấp tỉnh. Và hiện nay, khu rừng Chư H’Lăm đang được một doanh nghiệp khảo sát lập dự án dầu tư khai thác du lịch sinh thái và văn hoá.

Bảo vệ được khu rừng nguyên sinh Chư H’Lăm ở ngay trung tâm thị trấn Ea Pốk thực sự là điều đáng quý. Nhất là khi khu rừng này đã gắn với một truyền thuyết mang đậm văn hoá truyền thống của đồng bào Ê Đê. Ở đây, bảo vệ rừng cũng là bảo vệ văn hoá truyền thống và ngược lại. Và sẽ đáng quý, đáng trân trọng hơn, nếu như những giá trị về tài nguyên rừng Chư H’Lăm, ý nghĩa về truyền thuyết rừng thiêng Chư H’Lăm được nhân lên để khắp mọi nơi trên đất nước chúng ta có thêm nhiều khu rừng quý được gìn giữ và bảo vệ.